Kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Bắc Giang: Không có ngoại lệ, không có vùng cấm

Bộ Công an vừa kết thúc đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Bắc Giang. Sau 5 ngày, cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với 399 trường hợp, trong đó có 67 ô tô, 355 mô tô và 4 xe máy điện. Số tiền dự kiến xử phạt 1,5 tỷ đồng.

Ai cũng bị xử lý

Từ ngày 23 đến 27/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tổ công tác gồm: Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Văn phòng Bộ, Cục Công tác Đảng và Chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trọng tâm là xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Tổ công tác Bộ Công an cắm chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn trên đường Hùng Vương (TP Bắc Giang)

Chiều thứ Bảy (ngày 23/9), buổi đầu tiên Tổ công tác xử lý tại TP Bắc Giang. Trên tuyến đường Hùng Vương, phường Hoàng Văn Thụ - cửa ngõ ra vào TP bố trí hai chốt ở hai làn đường ngược chiều. Phóng viên ghi nhận đầu giờ, nhiều ô tô, xe máy nối dài được mời kiểm tra nồng độ cồn. Dù hàng trăm xe được mời vào, nhưng gần như không phát hiện lái xe nào vi phạm. Thế nhưng đến khoảng gần 18 giờ, liên tiếp phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiều hôm đó trên địa bàn phường có đám cưới, một số trường hợp bị lập biên bản nói vui là “không kịp trở tay” khi vừa điều khiển phương tiện từ đám cưới đi ra đã thấy lực lượng CSGT phân luồng, cắm chốt, ra hiệu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Ông N.V.M (trú tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) điều khiển xe mô tô được yêu cầu dừng phương tiện. Thời điểm kiểm tra, ông M có nồng độ cồn mức 0,078 mg/l khí thở. Luống cuống ký vào biên bản, ông thừa nhận vừa uống chén rượu trong đám cưới con người bạn. Ông coi đây là bài học và tự vấn bản thân sẽ không bao giờ tái phạm.

Qua phân tích 39 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lập biên bản chiều 23/9, có 21 xe ô tô (3 trường hợp phạt 35 triệu đồng; 3 trường hợp phạt 17 triệu đồng; 15 trường hợp phạt 7 triệu đồng); 16 xe mô tô (5 trường hợp phạt 7 triệu đồng; 1 trường hợp phạt 4,5 triệu đồng; 10 trường hợp phạt 2,5 triệu đồng).

Cảnh sát giao thông dừng xe mô tô kiểm tra nồng độ cồn.

Tối 23/9, Tổ công tác tiếp tục làm nhiệm vụ tại TP Bắc Giang, lập 5 chốt kiểm tra trên các tuyến đường lớn gồm: đường Hùng Vương (2 chốt), đường Xương Giang cạnh ga Bắc Giang (1 chốt), đường Xương Giang khu vực ngã ba Quán Thành (2 chốt). Bị dừng xe lúc gần 22 giờ, nam thanh niên điều khiển xe mô tô BKS 36-E1 467xx vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,120 mg/l khí thở cho biết vừa chở bạn gái đi sinh nhật về đến đường Hùng Vương bị dừng xe kiểm tra.

Theo Công an TP Bắc Giang, tối 23/9 lập biên bản gần 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Liên tiếp 4 ngày sau đó, Tổ công tác tiếp tục lập chốt tại tất cả 10 huyện, TP trong tỉnh. Trong đó tại TP Bắc Giang lập chốt vào các buổi tối. Các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang mỗi nơi 2 ca ban ngày, 6 huyện còn lại mỗi địa bàn 1 ca.

Tất cả các cuộc xử lý nồng độ cồn đều có cán bộ ghi âm, ghi hình toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm. Người vi phạm gọi điện thoại cho người thân cầu cứu, "gọi điện nhờ xin bỏ qua vi phạm" hoặc "khoe quan hệ" để mong được bỏ qua đều bị lập biên bản xử phạt. Kết quả 5 ngày đã lập biên bản đối với 399 trường hợp, trong đó có 67 ô tô, 355 mô tô và 4 xe máy điện. Số tiền dự kiến xử phạt 1,5 tỷ đồng.

Tạo ý thức “đã uống rượu bia không lái xe”

Trong suốt đợt kiểm tra của Bộ Công an, thông tin về việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn được đăng tải liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có thông tin vi phạm của một số cán bộ, công chức được công khai như Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Bắc Giang; Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP Bắc Giang… cho thấy quyết tâm xử lý vi phạm nồng độ cồn của cơ quan chức năng.

Tổ công tác Bộ Công an kiểm tra nồng độ cồn tại thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Công Điệp, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: "Thường khi CSGT kiểm tra người vi phạm nồng độ cồn, họ chỉ xuất trình giấy tờ liên quan đến phương tiện, căn cước công dân và giấy phép lái xe, hoặc điện thoại cho người thân giúp đỡ, chứ không nói cơ quan làm việc. Vì vậy, lực lượng phải cần có thời gian xác minh mới nắm được người vi phạm có phải là cán bộ, công chức, bộ đội, công an, nhà báo… hay không mới có danh sách cụ thể, tránh trường hợp giả mạo, khai sai thông tin để trốn tránh cơ quan, đơn vị xử lý”.

Qua tìm hiểu được biết, Phòng Nội vụ các huyện, TP đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, kiểm tra, nếu có quyết định xử phạt của lực lượng công an sẽ lấy đó làm căn cứ tiến hành các bước xem xét, kỷ luật, xếp loại thi đua cả năm, xét nâng lương...

Đợt kiểm tra này, Tổ công tác của Bộ Công an gồm 36 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh và CSGT Công an 10 huyện, TP kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy trình: Tổ công tác Bộ Công an đo định lượng (cồn), Phòng CSGT đo định tính, Công an các huyện, TP lập biên bản, ra quyết định xử lý. Vì vậy cán bộ không mất thời gian nghe người vi phạm trình bày giải thích, hiệu quả xử lý vi phạm cao hơn. Với lực lượng đông, lại được trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện hỗ trợ, đợt kiểm tra theo chuyên đề đã tạo điểm nhấn trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Dư luận cho rằng việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo chuyên đề, nhất là vi phạm về nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ là hoàn toàn phù hợp.

Một lái xe ô tô vi phạm bị lập biên bản xử lý.

Nhận định về đợt cao điểm, Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết: Nếu trên địa bàn chỉ có 1 tổ công tác xử lý vi phạm thì người tham gia giao thông dễ thông báo cho nhau, cố tình tránh đi các đường khác. Hoặc khi biết lực lượng đứng chỗ này sẽ đi vào đường nhánh, tuyến đường song song gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý. Việc các lực lượng của Bộ và địa phương cùng phối hợp, tăng cường tuần tra và xử lý kiên quyết đang từng bước tạo ra ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã được gần 4 năm quy định mức phạt nồng độ cồn tương đối cao. Đánh mạnh vào kinh tế nên phần lớn người dân đã hạn chế lái xe sau khi uống các thứ có cồn. Tuy nhiên mặc dù biết là sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vì “ham vui”, “cả nể” vẫn uống và cố tình lái xe; một số người trong đó có cán bộ, công chức, người trong ngành viện cớ xin xỏ mong được bỏ qua. Thượng tá Nguyễn Công Điệp cho biết thêm: Qua đợt kiểm tra của Bộ Công an, Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng để tăng cường xử lý chuyên đề nồng độ cồn, góp phần lan tỏa thông điệp, ý thức "đã uống rượu bia không lái xe".

Nhóm PV Nội chính

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/412523/kiem-tra-xu-ly-vi-pham-nong-do-con-tai-bac-giang-khong-co-ngoai-le-khong-co-vung-cam.html