Kiện cha mẹ vì mình 'bị' sinh ra

Khi cảm thấy bất công hoặc gặp một chuyện khó xử lí bằng thỏa thuận cá nhân thì mọi người thường làm đơn kiện lên tòa án, nhờ pháp luật giải quyết. Có rất nhiều vụ kiện kì quặc trên thế giới mà khi chúng ta biết đến phải cảm thấy khó hiểu về nó.

Vào đầu năm 2019, một người đàn ông Ấn Độ đã làm dậy sóng dư luận về việc anh ta đưa cha mẹ mình ra tòa vì… đã sinh ra mình. Người đàn ông Ấn Độ này tuyên bố: “Nếu chúng ta được sinh ra mà không có sự đồng ý của chúng ta, thì chúng ta nên được nuôi dưỡng trợ cấp suốt đời. Chúng tôi nên được cha mẹ chi trả cho tiền để sống, tồn tại”.

Câu chuyện khó tin này xảy ra vào đầu tháng 2-2019, người đàn ông sinh năm 1992 tại Ấn Độ cho rằng cha mẹ mình chưa được sự đồng ý của anh mà đã sinh anh ra. Người đàn ông này đưa giả thuyết rằng, giả sử ai đó không xin phép bạn trước mà đã bắt cóc và đưa bạn đến một thế giới mới, nơi cuộc sống ồn ào, khó hiểu và đầy đau khổ, thì bạn có kiện họ không? Và cách cha mẹ làm điều này chính là sinh bạn ra.

Raphael: “Nếu được sinh ra mà không có sự đồng ý của chúng ta, thì chúng ta nên được nuôi dưỡng trợ cấp suốt đời, nên được cha mẹ chi trả cho tiền để sống và tồn tại”.

Raphael: “Nếu được sinh ra mà không có sự đồng ý của chúng ta, thì chúng ta nên được nuôi dưỡng trợ cấp suốt đời, nên được cha mẹ chi trả cho tiền để sống và tồn tại”.

Người đàn ông quyết định kiện cha mẹ mình không phải anh ta có cuộc sống nghèo khổ, bệnh tật hay gia đình bất hạnh, anh hoàn toàn bình thường, thậm chí sống còn tốt hơn nhiều hoàn cảnh khác. Người đàn ông đó là Raphael Samuel, Giám đốc điều hành kinh doanh tại Mumbai (Ấn Độ).

Raphael Samuel nói: “Tôi yêu cha mẹ và gia đình tôi hiện tại rất hạnh phúc. Cuộc sống của tôi rất tuyệt vời, chẳng có gì đáng để phàn nàn nhưng tôi vẫn cảm thấy không có lý do gì mà mình phải sống, phải trải qua kì thi cử khắc nghiệt, phải có sự nghiệp vì tôi không muốn có mặt trên đời. Tôi không có nhu cầu được sinh ra”. Trước đó, Raphael Samuel đã đăng tải một video lên ứng dụng mạng xã hội Youtube. Trong video, anh mặc một cách kì quái, đeo bộ râu giả đen và kính râm nói về suy nghĩ của mình, đồng thời cũng chia sẻ việc không một luật sư nào chịu nhận vụ kiện của anh.

Raphael Samuel nói rằng: “Tôi muốn nhắn nhủ với những đứa trẻ rằng: đừng làm theo yêu cầu hoặc vì cha mẹ nếu mình không muốn. Nếu bạn thực sự muốn làm điều đó thì hãy làm… và tôi muốn mọi người ở Ấn Độ cũng như trên thế giới nhận ra một điều rằng họ được sinh ra khi chưa có sự đồng ý của chính họ. Tôi muốn mọi người hiểu, chúng ta không nợ cha mẹ mình bất kỳ một điều gì. Khi chúng ta không đồng ý sinh ra thì cha mẹ cần trả tiền vì đã đưa chúng ta đến thế giới này. Họ cần trả tiền để duy trì sự sống cho chúng ta”.

Được biết, Raphael Samuel là một tín đồ của thuyết tiền sinh sản, một hệ tư tưởng ngày càng phổ biến nhưng vô cùng kỳ lạ khi tin rằng việc con người được tạo ra là sai lầm và cuộc sống con người là sai lầm về mặt đạo đức, loài người chỉ mang lại đau khổ. Thuyết tiền sinh sản được phổ biến ở phương Tây bởi các triết gia như David Benatar, người đã viết cuốn sách Better Never to Have Been: The Harm of Coming Into Existence (tạm dịch: tốt hơn là không bao giờ có được: tác hại của sự tồn tại). Được biết, mẹ của Raphael Samuel sẵn sàng với việc khởi kiện của con trai, bà không hề phản đối việc con trai thưa kiện mình và chồng.

Mẹ của Raphael Samuel nói: “Tôi rất ngạc nhiên với sự ngoan cường của con trai tôi, nó cương quyết muốn đưa cha mẹ ra tòa mặc dù đã biết cha mẹ mình đều là luật sư. Nếu Raphael có thể đưa ra được bằng chứng cũng như lời giải thích hợp lý về việc làm thế nào để chúng tôi có thể xin sự đồng ý được sinh Raphael ra trước khi mang thai nó, thì tôi sẽ chấp nhận lỗi của mình”.

Ngoài ra, bà cũng tuyên bố khi ra tòa sẽ không hề “nương tay” với Raphel, bà sẽ thắng kiện như bao nhiêu vụ trước đó bà từng đảm nhận có thân chủ mình. Raphael Samuel cũng kêu gọi mọi người đừng đánh giá con người qua tuổi tác của họ, hãy tôn trọng hành động của họ hơn tuổi tác. Raphael Samuel nêu ra ý kiến rằng, cha mẹ nợ con cái vì những đứa con mang lại cho họ hạnh phúc nhiều hơn công lao nuôi dưỡng của họ. Ý kiến của Raphael Samuel khi được đăng lên trang mạng xã hội đã bị dư luận kịch liệt phản đối, họ cho rằng điều này trái với quy luật tự nhiên, vô lý và dễ ảnh hưởng lệch lạc giới trẻ.

Chủ nghĩa tiền sinh sản đặc biệt phổ biến ở Ấn Độ trong bối cảnh dân số nước này đang tăng vọt, một số người dấy lên lo ngại rằng sự tăng trưởng như vậy sẽ dẫn đến sự diệt vong lớn và không bền vững. Một số nhà nghiên cứu tiền sinh còn cho rằng, Ấn Độ nên nhân rộng chính sách “một con” của Trung Quốc trước đó để kìm hãm sự bùng nổ dân số. Đến nay, thuyết tiền sinh sản vẫn mắc vào nhiều ý kiến trái chiều, dư luận cho rằng thuyết này vô lý và đi ngược lại với quy luật tự nhiên.

An Khánh (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/kien-cha-me-vi-minh-bi-sinh-ra-624684/