Kiên định và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2018

Ngày 02/7/2018, Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra tại Hà Nội dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2018 tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thực hiện đúng đắn và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá, tình hình xã hội cơ bản ổn định, cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đã đề ra, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, một số bộ ngành, địa phương chủ động thực hiện sớm các nhiệm vụ của quý sau, đồng thời chủ động đề xuất, báo cáo Chính phủ kịp thời điều chỉnh một số nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn triển khai.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Nhờ có vậy, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Tăng trưởng toàn diện trên cả 03 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản (3,93%, cao gấp 1,4 lần so với mức tăng cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng (9,07%, cao gấp 1,5 lần); dịch vụ (6,9%).

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của các chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố. Nhờ đó, các chỉ số về đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp vẫn tăng tích cực, nhất là khi so với mặt bằng cao kỷ lục của cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/6/2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (bao gồm FDI) ước đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có trên 64,5 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế ước đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 6 ước đạt 10,8 tỷ đồng, tăng 13,8% so với tháng trước và tăng 5,13% so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu đã có sự dịch chuyển về chất và quy mô của doanh nghiệp.

Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu đều có mức tăng trưởng khá. Đáng chú ý trong ngành nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân năm nay được đánh giá là thắng lợi, tuy giảm về diện tích nhưng tăng khá cả về năng suất và sản lượng so với cùng kỳ. Nuôi trồng và khai thác thủy hải sản duy trì được nhịp độ phát triển do gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết và ngư trường, đồng thời có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm lấy lại “thẻ xanh” cho thủy sản Việt Nam. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất, đem lại kết quả tích cực.

Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, tính chung 6 tháng, IIP tăng khoảng 10,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7%), trong đó, vị trí dẫn đầu vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,7% (cùng kỳ tăng 9,7%). Cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, trong đó sản lượng điện thương phẩm 6 tháng ước tăng 10,32% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... cơ bản ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng được đảm bảo thực hiện đầy đủ. Hệ sinh thái khởi nghiệp dần được hình thành, hệ tri thức Việt số hóa được khởi động từ đầu năm, tạo điều kiện khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ. Văn hóa, thể dục thể thao tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ...

Bám sát phương châm “kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - hiệu quả”

Trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm và những vấn đề cần quan tâm trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải pháp cơ bản và quan trọng nhất là kiên định và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bám sát phương châm “kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - hiệu quả” trong mọi nhiệm vụ, giải pháp và hành động. Các cấp, các ngành nếu chưa thực hiện thì phải thực hiện ngay, nếu đã thực hiện thì phải thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 theo kịch bản điều hành đã đề ra. Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, những dự án lớn, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế, các dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án thu phí tự động không dừng....

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội nhằm củng cố niềm tin của xã hội, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, củng cố niềm tin của cả hệ thống, doanh nghiệp, Nhân dân, nhất là trong những dịp tổ chức sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV...

Để chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, trong đó tập trung đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính trung hạn và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=40253&idcm=389