Kiên Giang: Hàng ngàn ha lúa hè thu ở Hòn Đất bị lũ đe dọa ngập

Lũ đầu nguồn đổ về nhanh, nhiều diện tích lúa hè thu ở huyện Hòn Đất có nguy cơ ngập nặng.

Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có diện tích đất sản xuất Nông nghiệp lớn của tỉnh Kiên Giang. Trong vụ lúa hè thu năm 2018, toàn huyện Hòn Đất đã xuống giống trên 79.200 ha, cho đến nay bà con nông dân đã tiến hành thu hoạch được trên 6.000 ha, năng suất ước đạt 5 tấn/ha.

Tuy nhiên, do hiện nay nước lũ từ thượng nguồn giáp biên đổ về sớm và mạnh hơn nên một số khu vực thấp trũng ở phía bắc Quốc lộ 80, giáp với tỉnh An Giang đã gây ra cảnh ngập úng, mặt nước sâu từ 20 - 30cm cho cây lúa với diện tích khoảng 16.000 ha; lúa trong giai đoạn đồng trổ và chín bị ngập khoảng 435 ha, trong đó mức độ thiệt hại từ 10 – 30% là 272 ha và từ 30 - 70% là 165 ha.

Nông dân xã Nam Thái Sơn dùng máy bơm, bơm nước từ trong ruộng ra ngoài.

Theo dự báo, cuối tháng này, mực nước tại trạm Tân Châu có thể đạt 3,83m; tại Châu Đốc đạt mức 3,31m; các trạm khác khu vực nội đồng Kiên Giang mực nước tiếp tục lên đến cuối tháng 8, với biên độ từ 2 - 4cm/ngày.

Nếu mực nước từ nay đến ngày 30/8 tăng khoảng 20cm so với hiện tại thì khả năng diện tích bị ngập bờ khoảng 33.087 ha, tập trung ở các xã Bình Giang, Bình Sơn, Nam Thái Sơn, Mỹ Hiệp Sơn, Mỹ Thái và Mỹ Phước.

Người dân dùng bao tải để gia cố bờ ruộng

Để chủ động ứng phó giảm thiệt hại do lũ gây ra, Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất đã yêu cầu các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn trên địa bàn cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, nhất là ở vùng trũng thấp, ven sông, biển, kênh rạch để kịp thời triển khai các biện pháp phòng tránh; huy động các phương tiện sẵn sàng để chủ động bơm tát bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp; tích cực vận động, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương thu hoạch sớm những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ, tuyệt đối không cho người dân tiếp tục gieo sạ ở những vùng nguy hiểm, không có đê bao khép kín.

Người dân xã Nam Thái Sơn dùng bao tải gia cố bờ ruộng để ngăn nước vào ruộng

Ngoài ra, các ngành chuyên môn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy lợi tỉnh trong việc quản lý, điều tiết nước, đóng, mở cống ngăn mặn phục vụ sản xuất, thoát lũ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi, nhằm đáp ứng tốt công tác phòng chống ngập úng cục bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bơm tát khi lũ về sớm.

Lê Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/kien-giang-hang-ngan-ha-lua-he-thu-o-hon-dat-bi-lu-de-doa-ngap-d76150.html