Kiên Giang: Ngành du lịch phát huy lợi thế, tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Kiên Giang trở thành một vùng đất có nhiều di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh mang đặc thù riêng có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước và là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng và bền vững để khai thác và phát triển du lịch.

Khẳng định vai trò mũi nhọn

Đồng chí Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang, cho biết, Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với tài nguyên thiên nhiên phong phú và hệ sinh thái đa dạng của cảnh quan đồng bằng, rừng, núi, sông, hồ, biển, đảo với nhiều bãi tắm đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịc sử, văn hóa nổi tiếng.

Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, ngành du lịch Kiên Giang đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát triển sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch gắn với thiên nhiên, sinh thái; du lịch hội nghị, hội thảo; Du lịch tâm linh, du lịch MICE (Du lịch hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng, triển lãm); du lịch thăm thân hoặc du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch cộng đồng hoặc du lịch mạo hiểm gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị góp phần nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể.

Sở du lịch đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn lực, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,…nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

Đồng thời, ngành du lịch đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với các hoạt động hội chợ, hội thảo, diễn đàn trong và ngoài nước. Tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng du lịch trọng điểm của cả nước; các tỉnh ven biển miền Đông Thái Lan và Tây Nam của Campuchia để kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam; liên kết, hợp tác du lịch với khu vực ASEAN và quốc tế,…

Sở đang hoàn thiện số hóa dữ liệu ngành du lịch, thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, hình thành nền tảng dữ liệu về du lịch nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số,…

Từ đó, Kiên Giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Du lịch trở thành một trong những trụ cột chính của tỉnh đem lại nguồn thu nhập quan trọng. Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.663 ha, tổng vốn đầu tư 372.484 tỷ đồng, trong đó, thành phố Phú Quốc có 274 dự án đầu tư du lịch, chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, với diện tích 9.395 ha, tổng vốn đầu tư 367.759 tỷ đồng.

Ngành “Công nghiệp không khói” của tỉnh đang dần khẳng định vai trò mũi nhọn trong sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà, doanh thu từ ngành du lịch của Kiên Giang tăng bình quân 35%/năm, đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng chung của tỉnh. Tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang năm 2023 ước đạt 8.534.993 lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ, vượt 2,8% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế ước đón 573.272 lượt, tăng 203,3% so với cùng kỳ, vượt 63,8% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 17.479 tỷ đồng, tăng 65,1% so với cùng kỳ, vượt 34,5% kế hoạch năm.

Điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu

Để du lịch Kiên Giang phát triển chuyên nghiệp, bền vững, là ngành kinh tế mũi nhọn, thạc sĩ Ngô Xuân Hào, Khoa du lịch - Đại học Văn Hiến, cho rằng, Kiên Giang cần cơ cấu ngành du lịch theo hướng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đẩy mạnh kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng hình thành chuỗi giá trị du lịch. Bảo đảm chia sẻ lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp và du khách được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, để Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu và là một trong những trung tâm du lịch khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện có, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, lựa chọn đầu tư phát triển một số khu du lịch trọng điểm mang tính đột phá.

Đồng thời phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về số lượng, chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; xã hội hóa các hoạt động du lịch gắn với phát triển du lịch cộng đồng; có cơ chế, chính sách huy động các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch; mở rộng liên kết với các công ty du lịch lữ hành để tạo nguồn khách trong và ngoài nước.

Bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ môi trường văn hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu với việc giáo dục môi trường trong du lịch để nâng cao nhận thức của du khách, doanh nghiệp và người dân địa phương về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo đảm nguyên tắc phát triển bền vững với 3 mục tiêu: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, nêu quan điểm.

Ngành du lịch Kiên Giang cần tập trung nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, trong đó, chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, công trình văn hóa, thể thao tạo điểm nhấn phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hoàn thiện hệ thống giao thông vận chuyển để khách du lịch có thể tiếp cận đến các các vùng du lịch, các sản phẩm du lịch. Liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch để nâng cao giá trị du lịch toàn tỉnh. Xây dựng điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp, thân thiện, an toàn cho du khách. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Chú trọng phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền biển, đảo.

Sở du lịch phối hợp chặt chẽ với các cấp, các nhành quản lý tốt giá cả, phương tiện vận chuyển, an toàn thực phẩm, chèo kéo du khách, cạnh tranh không lành mạnh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động du lịch; chấn chỉnh tình trạng tự phong “khu, điểm du lịch” khi chưa được công nhận; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng sinh thái và khu vui chơi giải trí và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Cùng với đó áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách Chính phủ đã ban hành nhằm kích thích các thành phần xã hội tham gia đầu tư, phát triển du lịch. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt quan tâm thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch thông minh. Chú trọng xây dựng các loại hình du lịch mới, quan tâm phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh và du lịch cộng đồng; tổ chức các sự kiện, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh để thu hút khách đến với Kiên Giang, nhất là tại các vùng Rạch Giá - Kiên Lương - Hà Tiên và vùng U Minh Thượng.

Ngành du lịch Kiên Giang phấn đấu năm 2024 ước đón 9.200.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch, trong đó, khách quốc tế ước đón 680.000 lượt khách. Tổng doanh thu ước đạt 20.000 tỷ đồng. Tổng số cơ sở lưu trú ước đạt 970 cơ sở với tổng số phòng là 34.000 phòng, đồng chí Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang, chia sẻ.

Phát triển du lịch Kiên Giang được đặt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đầy thách thức, do đó, ngành du lịch tỉnh cần có những bước đi phù hợp để khai thác có hiệu quả những lợi thế của mình, vượt qua những khó khăn để có được sự phát triển “bứt phá” tương xứng với tiềm năng, vị thế, qua đó có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá Phú Quốc là hòn đảo rất đẹp, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển trên nhiều lĩnh vực vì thế Đảo Ngọc cần phải đặc biệt chú trọng thúc đẩy du lịch chất lượng cao, sản phẩm du lịch tốt, đa dạng, có sản phẩm du lịch đáp ứng “3 chữ Đ” của du khách là: Đẹp, độc, đáng"

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-nganh-du-lich-phat-huy-loi-the-tiem-nang-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-a22494.html