KIÊN GIANG NỖ LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Mục tiêu của Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đưa Kiên Giang nằm trong tốp dẫn đầu về các chỉ tiêu chuyển đổi số. Tỉnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, hướng đến bao trùm các ngành, lĩnh vực và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Bài 1: Tạo cú hích từ chuyển đổi số

Quan điểm của tỉnh về chuyển đổi số trên 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chiến lược chuyển đổi số, tỉnh huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cú hích cho chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang Võ Minh Trung, hạ tầng số có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả, sự bền vững của chuyển đổi số. Do vậy, công tác xây dựng hạ tầng số phải được triển khai đồng bộ, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu triển khai chuyển đổi số. Với vai trò cơ quan thường trực về chuyển đổi số của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện chuyển đổi số, nhất là ưu tiên triển khai giải pháp phát triển hạ tầng số.

Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh đầu tư nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm theo đúng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung kết nối, đồng bộ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành và tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia; triển khai các phần mềm ứng dụng dùng chung như thư điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh…

Công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Dương Hòa tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân.

Công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Dương Hòa tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân.

Với nỗ lực trong đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển hạ tầng số, đến nay 100% sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ, kết nối internet. Các chỉ số về điện thoại thông minh, mạng thông tin di động, internet cáp quang hộ gia đình của tỉnh tăng trưởng khá.

Năm 2022, Kiên Giang có tổng số thuê bao điện thoại ước đạt 2.022.324 thuê bao, 1.585.247 thuê bao internet; mật độ thuê bao điện thoại đạt 117,4 thuê bao/100 dân, trong đó có 1.992.155 thuê bao điện thoại di động, mật độ thuê bao internet đạt 92 thuê bao/100 dân.

Hạ tầng viễn thông phát triển đồng bộ đáp ứng tốt yêu cầu về thúc đẩy kết nối thông tin và truyền thông, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; có 2.472 vị trí các trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn 15 huyện, thành phố. Mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP, nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai bước đầu đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được duy trì, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành các cấp của tỉnh với 22 điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và 56 điểm cầu cấp xã. Tỉnh hoàn thiện việc kết nối hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên thông 3 cấp, kết nối liên thông với Chính phủ.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Châu Thành.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Châu Thành.

Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Châu Thành Nguyễn Quốc Khánh, hiện 100% cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn trên địa bàn huyện được trang bị máy vi tính, kết nối mạng LAN, internet đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân.

Huyện Châu Thành khai thác hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ với trên 300 tài khoản được cấp cho tất cả cơ quan, cán bộ, công chức của huyện, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức huyện.

Cùng với phát triển hạ tầng số, một trong những giải pháp được tỉnh chú trọng thực hiện là xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến xã; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, người dân đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số.

UBND tỉnh chủ trương chủ động đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại chỗ thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo các ngành công nghệ thông tin, toán - tin học, điện tử, viễn thông trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh thành lập 950 tổ công nghệ số cộng đồng với 5.807 tổ viên là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số trong nhân dân.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Châu Thành được trang bị đầy đủ máy tính, kết nối mạng internet bị phục vụ nhân dân.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Châu Thành được trang bị đầy đủ máy tính, kết nối mạng internet bị phục vụ nhân dân.

Năm 2022, UBND tỉnh phối hợp Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Tỉnh tổ chức 22 lớp bồi dưỡng, tập huấn sử dụng hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh cho cán bộ, công chức thuộc các huyện, thành phố; tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho 950 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 3.000 thành viên tham gia.

Tuy nhiên, do đa phần cán bộ phụ trách công nghệ thông tin ở cấp huyện, xã chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có kiến thức chuyên sâu, thường xuyên thay đổi vị trí công tác dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số còn gặp những khó khăn nhất định.

Để giải quyết khó khăn về nhân lực số đòi hỏi tỉnh cần có các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu, phục vụ công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có bằng cách tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành chuyên gia nòng cốt tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chuyển đổi số. Thu hút chuyên gia, nhân lực công nghệ thông tin từ các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đến tỉnh đầu tư, làm việc.

Bài và ảnh: CẨM TÚ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-doi-so/kien-giang-no-luc-chuyen-doi-so-18063.html