Kiên Giang: Phát huy trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Với vị thế địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng đối với khu vực Tây Nam bộ và cả nước, thời gian qua Kiên Giang đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII tạo nhiều chuyển biến tích cực. Trọng tâm tới của Đảng bộ tỉnh là phát huy cao hơn nữa trách nhiệm và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức quyết liệt, tinh vi hòng gây rối, tạo cớ can thiệp. Tại Kiên Giang, lợi dụng nhiều kênh thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, từng lúc các đối tượng đã đăng tải, chia sẻ sai lệch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương; phản ánh chủ quan, thiếu chính xác về các vụ việc gây rối làm mất an ninh trật tự công cộng; đưa thông tin thiếu kiểm chứng, gây mất uy tín lãnh đạo, lực lượng thi hành công vụ;… Do điều kiện đặc thù, vùng biển Tây giáp Vịnh Thái Lan có lúc xảy ra tranh chấp, chủ yếu trong khai thác thủy sản; tuyến biên giới, một vài vụ khiếu kiện đất đai từng lúc gây điểm nóng ảnh hưởng an ninh trật tự; trong nội địa, các hoạt động tôn giáo trái phép và hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ xuất hiện… được kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Từ kết quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng thời gian qua, đã cho thấy sự quyết liệt, sâu sát, toàn diện và đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đó đã và đang đặt ra cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Kiên Giang với yêu cầu ngày càng cao hơn, phức tạp hơn. Làm sao để giữ vững trận địa chính trị tư tưởng; khai thác, phát huy tối ưu kỹ thuật, công nghệ phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, mà vẫn bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chủ quyền, uy tín và lợi ích quốc gia-dân tộc? Nghị quyết số 35-NQ/TW khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”. Do đó, để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới, đòi hỏi Kiên Giang phải phát huy cao hơn nữa trách nhiệm và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị; trong đó, cần thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 21-KH/TU, ngày 14/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chỉ đạo, vận hành xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đây là cơ sở pháp lý, là “cẩm nang” để các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nội dung, phương thức chỉ đạo, vận hành xử lý thông tin xấu, độc có liên quan ngành, địa phương; trên cơ sở đó, tùy phạm vi, đối tượng, tính chất, mức độ tác động của thông tin xấu, độc để triển khai các phương án phối hợp đấu tranh, xử lý.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 04/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chú trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương, làm cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là minh chứng sinh động nhất nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đập tan các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá.

Ba là, định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để giải quyết tốt các phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, không để kẻ địch lợi dụng chống phá; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, làm tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm cần tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, bảo đảm các yêu cầu đặt ra theo hướng kiên định về nguyên tắc, nhưng khôn khéo, linh hoạt về phương pháp, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của Nhân dân, kiên quyết không tạo sơ hở để kẻ địch lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn, các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động tấn công vào nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao sức đề kháng, không bị kích động, lôi kéo, hoài nghi, hoang mang trước những thông tin xấu, độc, xuyên tạc; củng cố niềm tin vững chắc vào chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Mặc dù điều kiện công tác khác nhau, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày; thực hiện nghiêm quy định bảo vệ bí mật Nhà nước, chấp hành tốt kỷ luật phát ngôn; không xa hoa, lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ; tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng, góp phần định hướng dư luận, giữ vững niềm tin của Nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, cũng chính là bảo vệ bình yên cuộc sống của chính mỗi người và gia đình./.

Duy Quyên - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/kien-giang-phat-huy-trach-nhiem-cua-toan-he-thong-chinh-tri-trong-cong-tac-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-138930