Kiên Giang: Triển khai giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó cấp bách với dịch tả lợn châu Phi.

Hội nghị diễn ra chiều ngày 27/5, do Ông Mai Anh Nhịn-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Toàn cảnh hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó cấp bách với dịch tả lợn châu Phi

Toàn cảnh hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó cấp bách với dịch tả lợn châu Phi

Ông Nguyễn Thành Đức-Chi Cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xuất hiện 5 ổ dịch ở huyện Tân Hiệp với số lợn bị tiêu hủy là 112 con. Theo điều tra dịch tễ, nguyên nhân bùng phát dịch là do cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín kỹ; không thực hiện tốt công tác ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại.

Đến thời điểm hiện tại, ngành Thú y tỉnh Kiên Giang nghi vấn thêm 3 ổ dịch khác ở huyện Vĩnh Thuận, Hòn Đất và Tân Hiệp. Các cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu gửi Trung tâm Thú y Vùng 7 để xét nghiệm. Toàn tỉnh đã cấp 6.750 lít benkocid, 500 kg vôi cho các địa phương để khử trùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn Kiên Giang có trên 330.000 con, trong đó có 31 trại chăn nuôi theo quy mô lớn khoảng 36.000 con, còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Tỉnh đã bố trí 13 chốt, tổ kiểm dịch ở các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và một số chốt lưu động để kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ.

Theo đánh giá của ngành Thú y tỉnh, nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn trong thời gian tới diễn biến rất phức tạp, có khả năng lây lan trên diện rộng. Do hiện nay vẫn chưa kiểm soát được việc vận chuyển lợn trên các tuyến đường thủy, nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ không đúng quy định.

Cụ thể, ổ dịch đầu tiên phát hiện ở gia đình bà Nguyễn Sol Pha, ngụ tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp. Đàn heo của gia đình có 33 con, ban đầu có 4 con có biểu hiện sốt cao, không ăn, lười vận động, ủ rũ. Gia đình đã đến cơ sở thú y mua thuốc về tự tiêm nhưng không hết. Nghi ngờ heo có khả năng nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên ngày 22-5 bà Pha đã trình báo cho tổ kinh tế kỹ thuật của xã. Đến ngày 23-5, trạm chăn nuôi và thú y huyện Tân Hiệp xuống gia đình tiến hành lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm. Sáng ngày 24-5 có kết quả xét nghiệm đàn heo nhà bà Pha cho thấy dương tính với dịch tả lợn châu Phi với tổng số heo của gia đình là 33 con, trong đó có 5 heo nái, 4 heo thịt và 24 heo con.

Số heo mắc bệnh đã chết đến thời điểm hiện tại là 1 con. Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND huyện Tân Hiệp, UBND xã Tân Hiệp B tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo của gia đình Bà Nguyễn Sol Pha, tổng số 33 con, khối lượng tiêu hủy trên 1,7 tấn; cung cấp 28 lít hóa chất để phục vụ công tác tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh. Đồng thời, khoanh vùng theo quy định để tiêu độc khử trùng liên tục trong 1 tuần.

Chốt kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại huyện Tân Hiệp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Mai Anh Nhịn-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh yêu cầu các địa phương, ban, ngành cắt, giảm các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chống dịch, không để dịch bùng phát trên diện rộng. Đồng thời, sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn, phòng, ban chủ quan lơ là, đùn đẩy trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động mọi tình huống cùng địa phương chống dịch; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hóa chất… Các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình giết mổ lợn tại các lò giết mổ tập trung; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách, giết mổ lậu, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh; tăng cường tuyên truyền về dấu hiệu nhận diện, các phòng, chống dịch để người chăn nuôi chủ động phòng, chống.

Quốc Tuấn

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/kien-giang-trien-khai-giai-phap-ung-pho-voi-dich-ta-lon-chau-phi/