Kiên Giang trở thành Trung tâm kinh tế biển của Quốc gia vào năm 2030

Sáng 23-12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang. Đến dự có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo nhiều tỉnh thành phố vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ; đại diện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Quyết định quy hoạch số 1289/QĐ-CP ngày 3-11-2023, đến năm 2030 Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng ĐBSCL, là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia. Các TP Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, TP Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; TP Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; TP Hà Tiên là đô thị di sản. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống văn minh, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: LÊ QUỐC

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá, đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang, bao gồm: khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và khu vực cửa khẩu Giang Thành.

Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của Quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng; Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc… với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế.

Quy hoạch đề ra nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 34 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I là thành phố Rạch Giá và thành phố Phú Quốc và đề ra 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Quy hoạch cũng đã xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 với hơn 200 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí Thư Tỉnh ủy Kiên Giang khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh Kiên giang. Lần đầu tiên sau hơn 38 năm xây dựng và phát triển, Kiên Giang có bản Quy hoạch tỉnh được tích hợp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; là bản quy hoạch có giá trị pháp lý cao nhất ở cấp tỉnh. Điều này cũng thể hiện “khát vọng và tầm nhìn mở rộng không gian, định hình các động lực phát triển mới”, để Kiên Giang phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: LÊ QUỐC

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên đứng thứ hai về quy mô kinh tế khu vực ĐBSCL, trong đó thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ định hướng phát triển và những nhiệm vụ cần triển khai, do đó trong quá trình thực hiện, tỉnh Kiên Giang phải bảo đảm tuân thủ Quy hoạch nhưng không cứng nhắc; bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Ảnh: LÊ QUỐC

Để thực hiện tốt quy hoạch, Phó Thủ tướng gợi ý, tỉnh Kiên Giang cần xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch; chú trọng quảng bá rộng rãi quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức khi triển khai công trình, dự án cụ thể.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục tận dụng tốt tiềm năng kinh tế biển; chủ động thực hiện các dự án giao thông đường bộ đồng thời chú trọng phát triển giao thông đường thủy để nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông địa phương.

Tỉnh Kiên Giang cần chú trọng nâng cao tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để đưa chế biến nông sản đến gần vùng nguyên liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu - một vị thế của Việt Nam được nhiều quốc gia khâm phục và mong muốn học hỏi.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cần chú trọng thu hút các dự án nuôi trồng thủy sản để tiến tới chấm dứt việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” hải sản của Ủy ban châu Âu (EC), bảo vệ và phát triển ngành thủy sản bền vững của đất nước.

Tỉnh Kiên Giang cũng cần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao, bảo đảm an ninh, an toàn, thân thiện với môi trường và du khách; quản lý tốt quy hoạch Phú Quốc; tính đến các dự án lấn biển để mở rộng không gian phát triển. Trong quá trình phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động hơn dự báo.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và tặng hoa cho các nhà đầu tư tại hội nghị. Ảnh: LÊ QUỐC

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã trao 11 quyết định về chủ trương đầu tư, với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ đồng và 18 biên bản ghi nhận nghiên cứu đầu tư của các nhà đầu tư sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, với tổng số vốn hơn 30.000 tỷ đồng, cho các nhà đầu tư.

LÊ QUỐC - HOÀNG TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kien-giang-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-bien-cua-quoc-gia-vao-nam-2030-post719638.html