Kiên Giang: Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm

Trong ba tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 6,44% kế hoạch được giao thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 4,58%.

Dự án đầu tư xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển, ven biển tỉnh Kiên Giang có tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng là một trong số các dự án chuyển tiếp kế hoạch giải ngân vốn sang năm 2021. Tính đến hết quý I/2021 dự án giải ngân đạt tỷ lệ 76,76%; số vốn còn lại khoảng 18,6 tỷ đồng (Ảnh: Internet).

Vốn đầu tư công được giao và phân bổ

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Hội đồng ngân sách tỉnh giao theo Nghị quyết số 506/NĐ-HĐND ngày 08/12/2020 là 5.198.939 triệu đồng. UBND tỉnh đã triển khai giao chi tiết vốn đầu tư công cho các Sở, ban, ngành và địa phương để thực hiện là 4.604.913 triệu đồng (đạt 88,57% so với Nghị quyết), trong đó bao gồm vốn ngân sách địa phương 3.953.390 triệu đồng, vốn ngân sách Trung ương 651.523 triệu đồng. Số còn lại sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị hoàn thiện hồ sơ để giao hết vốn theo quy định.

Đến hết quý I/2021, giá trị khối lượng hoàn thành là 332.625 triệu đồng (đạt 7,22% kế hoạch); giá trị giải ngân là 296.572 triệu đồng (đạt 6,44% kế hoạch) tỷ lệ đạt dưới 10%, thấp hơn cùng kỳ so với năm 2020 là 4,58%. Có 16 dự án trọng điểm được giao kế hoạch vốn là 2.191.730 triệu đồng (chiếm 47,6% kế hoạch vốn). Tình hình giải ngân mới chỉ đạt 8,96% theo kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp do đâu?

Theo ông Huỳnh Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân thấp do một số đơn vị vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để giao kế hoạch vốn là 594.026 triệu đồng đã chiếm 11,4 % kế hoạch 2021.

Mặt khác, hồ sơ thanh, quyết toán khối lượng hoàn thành của các dự án chuyển tiếp còn chậm. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan của một số chủ đầu tư, chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ những tháng đầu năm, do nghỉ Tết nguyên đán nên việc huy động nhân công gặp khó khăn. Nhiều đơn vị chưa xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm. Nhiều dự án vẫn đang vướng mắc chưa giải quyết triệt để, đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo đó để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khẩn trương tổ chức thực hiện theo nội dung Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Kiến nghị Sở Xây dựng tăng cường công tác tập huấn các văn bản quy định mới, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ tham gia các lĩnh vực quản lý đầu tư công.

Xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết của từng dự án để tổ chức chỉ đạo, triển khai quyết liệt; thực hiện nghiệm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng; tập trung rà soát xử lý kịp thời những vướng mắc của thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư, riêng đối với các công trình, dự án đã xong thủ tục phải khẩn trương thực hiện, giải ngân, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và công tác đấu thầu của các dự án.

Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

Hà Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kien-giang-xac-dinh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-la-nhiem-vu-trong-tam-304057.html