Kiến nghị cho người sai phạm khắc phục hậu quả, giảm xử lý hình sự

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, tạo điều kiện để chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả sẽ giúp thu hồi được tài sản bị thất thoát và không băn khoăn việc phải xử lý nhiều cán bộ.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 sáng 30/6, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã đề xuất việc này như một giải pháp ngăn ngừa tham nhũng.

Theo ông Trí, bên cạnh việc xử lý nghiêm đối tượng tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng cần ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực.

Tổng bí thư: 'Cái quý nhất của con người là danh dự sống' Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận".

Vừa thu hồi được tài sản, vừa không băn khoăn “mất cán bộ”

“Bên cạnh chính sách về quản lý, kiểm soát, cần ban hành nhiều chính sách tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo. Đồng thời, phải đảm bảo quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro với người thực hiện”, theo Viện trưởng VKSND Tối cao.

Ông lưu ý nếu có khoảng trống, kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, người tốt sẽ có tâm lý lo sợ rủi ro, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ.

Trước mắt, ông Trí đề nghị tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và định giá đất để đấu giá hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Nguyên Phúc.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Trí cho rằng mục tiêu quan trọng là thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát. “Nếu tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta sẽ thành công hơn nữa”, theo lời ông Trí.

Dẫn bài học từ Trung Quốc, ông Trí cho biết khi phát hiện vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước, VKS ở Trung Quốc với tư cách bảo vệ lợi ích Nhà nước, có quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và hậu quả gây ra. Nếu cơ quan không khắc phục, VKS có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa phán quyết. Với trường hợp sai phạm nhưng chủ động khắc phục thì cho khắc phục, còn khắc phục không tốt mới khởi tố điều tra, xét xử hình sự.

“Do đó, VKSND Tối cao kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương cho chủ trương, giao Ban Nội chính Trung ương, hoặc VKSND tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự và thay thế bằng khởi kiện dân sự, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả”, ông Trí đề xuất.

Theo ông, nếu làm vậy, chúng ta sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự. Hơn nữa, chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý nhiều cán bộ, đồng chí của mình.

Vụ Việt Á cho thấy tâm lý “chưa biết sợ”

Trung tướng Đỗ Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, khái quát kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Ông cho biết Đảng ủy Công an Trung ương đã bố trí 100% giám đốc công an tỉnh, thành phố, trưởng công an cấp huyện không phải người địa phương.

Với tinh thần xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đơn vị này đã xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền trên 500 người, trong đó, 86 người bị xử lý về trách nhiệm người đứng đầu.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Nguyên Phúc.

10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng tiếp tục có những bước tiến mới, điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

“Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...”, theo trung tướng Nguyễn Duy Ngọc.

Qua công tác điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết lực lượng đã làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định sai phạm mang tính chất cá nhân.

“Các đối tượng đã tâm phục, khẩu phục, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt”, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin.

Ông Ngọc nhắc lại thời điểm tháng 4/2020, khi mới bắt đầu đại dịch Covid-19, vụ CDC Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã bị xử lý. “Lúc đó, Thường trực Ban chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á, cho thấy việc ‘chưa biết sợ’ của một nhóm”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Từ thực tế đó, ông kiến nghị phải có tái kiểm tra, yêu cầu khắc phục tồn tại đã được kiểm tra chỉ ra, tránh việc cứ có chủ trương nào của Nhà nước về phát triển kinh tế lại bị lợi dụng để trục lợi.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kien-nghi-cho-nguoi-sai-pham-khac-phuc-hau-qua-giam-xu-ly-hinh-su-post1331297.html