Kiến nghị dừng nhiệt điện than, tạo cơ chế cho năng lượng tái tạo

VSEA khuyến nghị Chính phủ nên có giải pháp chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước...

Kìm hãm phát triển điện mặt trời sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Ngày 1/6/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gửi Thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.

KHUYẾN NGHỊ TƯ NHÂN XÂY DỰNG LƯỚI ĐIỆN

Theo Bản Kiến nghị, việc hạn chế phát triển điện mặt trời là hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới.

Các dự báo và khuyến nghị mới nhất của các cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới. Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về sự chậm chễ trong chính sách.

Theo VSEA, Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn và là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy phân cấp phân quyền.

Quy hoạch điện VIII cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh điện mặt trời này thay vì kìm hãm chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới. Quy hoạch cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về lưới điện và tăng tính linh hoạt của hệ thống điện đi kèm đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Thời gian gần đây, năng lượng mặt trời phát triển nhanh, với nguồn công suất lớn trong khi lưới truyền tải không đồng bộ kịp dẫn tới tình trạng quá tải, sa thải công suất của nguồn điện sạch, gây lãng phí đầu tư và nợ xấu.

VSEA khuyến nghị Chính phủ nên có giải pháp chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.

Về thị trường điện cạnh tranh: cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành Thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023, đẩy nhanh tái cấu trúc đơn vị điều độ hệ thống và thị trường quốc gia (NSMO) phù hợp với mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023.

Ngoài ra, cần tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện bằng đẩy nhanh các giải pháp tích trữ như pin tích trữ ngay trong giai đoạn này như kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giải này có rất nhiều ưu điểm: điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo, chi phí sản xuất điện từ pin tích trữ chỉ tương đương với thủy điện tích năng. Giá thành của pin tích trữ ngày càng giảm nhanh: giảm 80% trong 10 năm qua, dự báo đến năm 2030, sẽ giảm còn khoảng 55% so với hiện nay.

“Phát triển điện, cần tập trung vào các giải pháp chính sách đột phá về phát triển lưới điện, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để giải phóng đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được các địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp, và rủi ro cao”, bản kiến nghị nêu rõ.

NHIỆT ĐIỆN THAN ĐANG MẮC KẸT

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Những đột phá kì vọng” do VSEA tổ chức ngày 31/5/2021, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), kiêm Chủ tịch VSEA cho rằng, nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới là đi ngược xu thế và rất khó khả thi.

Quy hoạch điện VIII vẫn dự kiến tăng điện than mới cho tới năm 2045, trong khi 16/34 dự án điện than thuộc nhóm dự án đặc thù đã chậm tiến độ và tiếp tục bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.

Theo bà Khanh, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ với các chính sách tăng cường bảo vệ môi trường đang được xây dựng và sắp được ban hành. Mặt khác, tiếp cận tài chính quốc tế của các dự án điện than đã khó nay càng khó hơn.

Việc tiếp tục phát triển điện than gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế, tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và áp lực cho hệ thống y tế, tạo ra xung đột với ngành nuôi trồng thủy hải sản và du lịch, gây bất lợi về năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như EU, Mỹ, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc khi các nước trên đều đồng thuận đánh thuế các bon lên hàng hóa của các nước sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ ra vấn đề: nhiều nhà đầu tư mắc kẹt về vốn, tài sản và những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Theo ông Hòe, hiện có tới 17 Dự án nhiệt điện than quy hoạch tại 11 tỉnh với tổng công suất là 20.700 MW xác định đưa vận hành sau 2025, thế nhưng đang dở chậm tiến độ đã nhiều năm do tiền vốn không thu xếp được, mặt khác chính quyền địa phương cũng không ủng hộ.

Tính toán yêu cầu về tiền vốn suất đầu tư cho điện than khoảng 2 triệu USD/1 MW. Như vậy, với 20.700 MW sẽ cần tới 41,400 tỷ USD (bình quân mỗi nhà máy cần 2,43 tỷ USD tương đương 55.890 tỷ đồng). "Trong khi, các ngân hàng thương mại có vốn tự có lớn nhất khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Kể cả nhà máy nhiệt điện than công suất nhỏ nhất 650 MW cũng đầu tư 1,3 tỷ USD, đều vượt xa mức 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại" ông Hòe nhấn mạnh.

Sáng kiến “phát triển ngân hàng bền vững“ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu ra tại hội nghị Bộ trưởng tài chính Và Thống đốc các nước ASEAN, khẳng định: quản trị Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp trách nhiệm xã hội hơn. Việc phải tuân thủ thông lệ quốc tế đạt chuẩn ESG, buộc các ngân hàng thương mại sẽ không dám đầu tư cho vay các dự án đầu tư nhiệt điện than.

Chu Khôi -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-nghi-dung-nhiet-dien-than-tao-co-che-cho-nang-luong-tai-tao.htm