Kiến nghị gỡ khó cho các nguồn giống chủ lực đang bị chiếm dụng

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phía Bắc vừa có đơn đề nghị gửi Bộ trưởng NN&PTNT và Cục Trồng trọt tháo gỡ vướng mắc liên quan tới việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trồng trọt.

Doanh nghiệp gặp khó khi Luật Trồng trọt vẫn còn nhiều mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: VGP.

Doanh nghiệp gặp khó khi Luật Trồng trọt vẫn còn nhiều mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: VGP.

Trong đơn đề nghị, các doanh nghiệp thể hiện tâm trạng lo lắng, bất an bởi vụ hè thu và vụ mùa đã đến gần nhưng việc thực hiện Luật Trồng trọt vẫn còn nhiều mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cho biết, các vấn đề triển khai của Luật Trồng trọt đang mâu thuẫn, bất cập với các luật khác và các văn bản hướng dẫn luật.

Mặc dù đã có nhiều hội nghị giữa cơ quan quản lý và Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, các công ty sản xuất kinh doanh, chọn tạo giống…, song thực tế sản xuất kinh doanh giống vẫn bị “rối” chưa có cách xử lý.

“Chẳng hạn việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành giống lúa, giống ngô không được bảo hộ nằm trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh bao gồm các giống: Xi21, Xi23, CR203, Q5, Khang dân, Hương thơm, Bắc thơm 7, Nếp 97, Ải 32, ĐV-108…; các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Sán ưu…, giống ngô LVN-10…”, đơn đề nghị liệt kê.

Tất cả những giống nêu trên đều thuộc nguồn lực của Nhà nước, vì chúng được nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội bởi các viện thuộc Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.

Những giống này đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh một thời gian dài, ngắn nhất cũng đã có thời gian 20 năm, được đông đảo các doanh nghiệp ngành giống khuyến cáo sản xuất, kinh doanh nhiều năm trên hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện tại, đây vẫn là các loại giống chủ lực của sản xuất và có thể nói đây là những giống đã được xã hội hóa.

Theo tinh thần của Luật Trồng trọt, tất cả những giống xã hội hóa không được bảo hộ này đều phải gia hạn quyết định công nhận lưu hành mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, tính đến hiện nay, vẫn còn nhiều giống chưa được gia hạn quyết định công nhận lưu hành theo Luật Trồng trọt nên không được sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn trong khâu bảo quản và xử lý.

Trong khi đó, nông dân các vùng miền hiện có nhu cầu rất lớn về giống sản xuất? Hàng loạt các doanh nghiệp giống mất việc làm, phải giải thể.

Doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ toàn bộ việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính nằm trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh. Ảnh: VGP.

Thứ hai, những giống đã được tổ chức, cá nhân gia hạn quyết định lưu hành bao gồm cả giống được bảo hộ và giống không được bảo hộ theo tinh thần của khoản 1, Điều 31 Luật Trồng trọt thì chỉ duy nhất họ có quyền được lưu hành (quyền sản xuất kinh doanh) hoặc ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân lưu hành khác.

Điều này là trái ngược hoàn toàn với giống được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ, giống không được bảo hộ cũng có quyền như giống được bảo hộ.

Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chân chính, còn có những tổ chức, cá nhân giành giật để được đăng ký gia hạn quyết định lưu hành, chiếm độc quyền sản xuất kinh doanh như giống đã được bảo hộ.

Nhưng khi các doanh nghiệp khác muốn xin phép lưu hành thì bị làm khó với hàng loạt các yêu cầu rất vô lý, có cả nhiều những yêu cầu không thuộc thẩm quyền và đưa ra mức giá ủy quyền không thể chấp nhận được.

“Như vậy, nguồn lực giống xã hội hóa của Nhà nước đã bị một số ít đơn vị chiếm dụng, độc quyền như giống được bảo hộ nhằm tăng giá, thu lợi bất chính. Điều này đi ngược lại với các quy định về bảo hộ giống trong Luật Sở hữu trí tuệ. Làm mất đi quyền được tự do sản xuất kinh doanh, mất đi công ăn việc làm của nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp”, đơn đề nghị chỉ rõ.

Các công ty sản xuất kinh doanh giống cây trồng miền Bắc đang rơi vào tình trạng không còn được sản xuất kinh doanh, không có việc làm, bà con nông dân không có giống để sản xuất. Trước những lo lắng, bất an kể trên, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ trưởng NN&PTNT xem xét, tháo gỡ các nội dung căn cốt.

Trước mắt, tháo gỡ kịp thời để ngay trong thời vụ năm nay, các doanh nghiệp giống tiếp tục được sản xuất kinh doanh những giống xã hội hóa nêu trên mà không phải xin phép tổ chức, cá nhân nào. Không để các cơ quan chức năng như kiểm định, kiểm nghiệm thực hiện, thanh tra, quản lý thị trường, công an kinh tế không làm khó doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Có phương án chi trả chi phí một lần cho các tổ chức, cá nhân đã gia hạn quyết định công nhận lưu hành bằng quỹ khuyến nông hoặc các doanh nghiệp đóng góp thông qua Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam.

Về lâu dài, bãi bỏ toàn bộ việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính nằm trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh, giống không được bảo hộ hoặc giống đã hết thời gian được bảo hộ (như vậy, giống hết thời gian bảo hộ mới được “phóng thích”).

Chỉ gia hạn quyết định công nhận lưu hành đối với giống đã được bảo hộ và còn trong thời gian được bảo hộ.

“Điều này giúp cho bà con nông dân có giống tốt để sản xuất khi có nhu cầu (có những giống trong khoảng thời gian nào đó nông dân không sản xuất, một vài năm sau họ quay lại sản xuất). Nông dân sẽ tự bỏ đi những giống không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu của Luật Sở hữu trí tuệ và không đối lập nhau với Luật Trồng trọt”, kiến nghị của các doanh nghiệp nêu rõ.

Các doanh nghiệp này bao gồm: CTCP Giống cây trồng Bắc Ninh; Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Hoàng Gia; Công ty TNHH Giống cây trồng Hồng Hà; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang; Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thiên Long; Công ty TNHH Nam Dương; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định; Công ty TNHH Cường Tân; Công ty TNHH Giống cây trồng nam Phú; Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt đới...

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kien-nghi-go-kho-cho-cac-nguon-giong-chu-luc-dang-bi-chiem-dung-post21404.html