Kiến nghị kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động ngành du lịch

Cho rằng du lịch là ngành chịu nhiều thiệt thòi do Covid-19, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu kiến nghị trên với mong muốn góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn.

“Đăng đàn” chiều nay (10/8), Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến phát triển thị trường du lịch. Theo Bộ trưởng Hùng, du lịch đã có bước phát triển sau đại dịch Covid-19, lượng khách nội địa và lượng khách quốc tế bắt đầu tăng.

“Chúng ta đã hoàn thành cơ bản về chỉ tiêu du lịch nội địa và chỉ tiêu khách quốc tế đang còn phấn đấu, nhưng nét mới hơn đó là ngành đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề về chi tiêu của du khách, chứ không phải thuần túy tính đầu lượt khách, để tính toán hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn này” – ông Hùng nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chiều 10/8

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chiều 10/8

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch thừa nhận, làm sao để tăng được lượng khách quốc tế; làm sao để đảm bảo tính bền vững thu hút khách nội địa và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách… là những thách thức đặt ra với toàn ngành.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi.

“Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết” – đại biểu nhìn nhận và đề nghị Bộ trưởng Hùng cho biết giải pháp để thúc đẩy hợp tác với các nước nhằm sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam.

Lưu ý khách du lịch quốc tế tới Việt Nam là một chỉ số rất quan trọng, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) cũng đề nghị lãnh đạo ngành Thể thao, Văn hóa, Du lịch nêu biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững.

Hồi âm các đại biểu, Bộ trưởng nhận định, du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển, song việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn.

“Cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành” – ông Hùng giải pháp.

Giải thích thêm về “cái khó” trong hút khách quốc tế, Bộ trưởng Hùng phản ánh, do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Theo ông, Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, song vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.

Đề cập đến khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, trong đại dịch COVID-19, tình hình dịch chuyển lao động từ thành thị về nông thôn và giữa các ngành với nhau, trong đó có ngành du lịch rất lớn.

Để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và là ngành kinh tế mũi nhọn, theo đại biểu Thông, yếu tố nguồn lực là yếu tố hàng đầu. Vì thế, đại biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện nay.

Ghi nhận ý kiến đại biểu, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch để có giải pháp căn cơ, còn trước mắt phải có giải pháp đào tạo nghề.

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch, đồng thời phối hợp triển khai với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN, danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện” – Bộ trưởng thông tin.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Hùng sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Vì đây là một ngành tổng hợp, nên theo Phó Thủ tướng, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương, đặc biệt là rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân.

“Chúng ta phải cải thiện cái môi trường du lịch. Môi trường ở đây không chỉ đơn giản là môi trường ô nhiễm, mà môi trường du lịch ở đây rộng hơn, tức là tránh được các nỗi sợ của du khách nước ngoài và kể cả du khách trong nước” – Phó Thủ tướng phân tích.

Ông nói thêm, với du khách trong nước và quốc tế, dù dịch vụ chuyên nghiệp, bên trong khách sạn tốt đến mấy nhưng nếu ra bên ngoài gặp những biểu hiện, môi trường văn hóa không lành mạnh thì cảm xúc của du khách khi đi du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/kien-nghi-keo-dai-thuc-hien-cac-chinh-sach-ho-tro-lao-dong-nganh-du-lich_135331.html