Kiến nghị khởi tố vài doanh nghiệp có xe hợp đồng trá hình

Kiến nghị cho rằng xe hợp đồng trá hình tiềm ẩn nguy cơ về thất thoát ngân sách nhà nước, chỉ cần khởi tố một vài doanh nghiệp thì đều có thể quản lý chặt chẽ.

Lượng khách qua BX Miền Đông mới tăng 4 lần

Ngày 3/11, Sở GTVT TPHCM đã họp về vấn đề liên quan hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT và các đơn vị vận tải đã trao đổi về những điểm tích cực cũng như vướng mắc trong hoạt động vận tải hành khách trong thời gian qua và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM chủ trì cuộc họp

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong 10 tháng vừa qua có nhiều điểm sáng như trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm 22%, người chết giảm 10%. Vận tải hành khách đường bộ đạt 330 tỉ, tăng 22% so với cùng kỳ.

Theo ông Lâm, trong 10 tháng năm 2023, ước đạt hơn 21.000 tỉ, (tăng 26,4%), vận tải đường bộ tăng 65%. Như vậy, vai trò vận tải hành khách đường bộ đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế Thành phố.

“Quản lý vận tải đã có nhiều công điện, văn bản và triển khai đồng bộ trên cả nước. TP cũng đã có riêng 1 chỉ thị 22 thiết lập trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. TP cũng có kế hoạch siết chặt về việc đón trả khách sai quy định và định kỳ hàng quý Ban an toàn giao thông cũng có đánh giá. Thấy rằng, TP luôn quyết tâm vào cuộc và xử lý nghiêm”, ông Lâm nói và cho biết thêm, sau khi kiểm tra và xử lý, lượng khách qua bến xe Miền Đông mới tăng lên 4 lần.

Liên quan đến nhà xe Thành Bưởi, ông Lâm cho hay, khi xảy ra vụ việc tai nạn thương tâm ở Đồng Nai, Thủ tướng có công điện, Bộ GTVT có chỉ đạo và TP cũng đã tổ chức kiểm tra và đánh giá lại doanh nghiệp này.

Qua kiểm tra toàn diện đã bộc lộ được nhiều vấn đề để kịp thời chấn chỉnh, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM mong muốn nhận được sự đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội để “mổ xẻ” những khó khăn, vướng mắc, nếu trong phạm vi của Sở GTVT sẽ cầu thị và giải quyết và tổng hợp để kiến nghị tham mưu UBND TP, Bộ GTVT giải quyết.

“Chúng ta cần đặt an toàn tính mạng của hành khách, của người dân lên trên hết. Có những doanh nghiệp quản lý rất tốt, song cũng có doanh nghiệp ban hành rồi để đó, kiểm tra giám sát nhưng buông lỏng. Vì vậy chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, tránh tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt mới khắc phục”, ông Lâm nói.

Xe hợp đồng trá hình có dấu hiệu trốn thuế

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Hải – Phó ban Bến xe Miền Đông mới cho biết sau một thời gian điều chỉnh lượng khách qua bến đã tăng nhẹ như Đà Lạt, Nha Trang lên 20-35 chuyến/ngày, với khoảng 2.600-2.7000 khách/ngày. Tuy nhiên, hoạt động của BXMĐ mới cũng đã đầu tư hạ tầng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hành khách.

Nhà xe Thành Bưởi đang bị Công an TPHCM điều tra dấu hiệu trốn thuế

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng tỉ lệ chỉ có khoảng 130 hành khách được đưa rước, hành khách sử dụng còn ít. Do đó cần tổ chức lại hành trình chạy xe giữa các bến xe, đồng thời áp dụng chính sách hạn chế xe khách giường nằm 24/24 để tránh di chuyển vào nội thành.

Hiện các đơn vị vận tải vẫn phát sinh thêm, các đơn vị đã đăng ký di chuyển qua Bình Dương. Trong đó có một số tuyến di chuyển qua BXMĐ mới nhưng lại muốn chạy về BXMĐ cũ, song họ đăng ký từ BXMĐ cũ về Bình Dương để về các tỉnh miền Trung.

Nhìn nhận thực tế, Nguyễn Mạnh Tuấn – Trưởng phòng Kinh doanh Kumho Samco cho biết hiện nay sản lượng đi qua BXMĐ mới chỉ có 20%, số còn lại là bên ngoài. Các doanh nghiệp vẫn đón khách, đặt vé và trả khách tại văn phòng.

“Vì sao xe chạy hợp đồng bên ngoài nhưng hành khách được đi ở trong TP. Xe này không được bến xe kiểm tra, không kiểm tra lệnh xuất bến và không bị giám sát… sẽ dẫn đến nguy cơ tai nạn rất cao. Vì vậy, cần kiểm soát xe hợp đồng trước, bản chất bến cóc sinh ra trước xe dù, nhưng nếu chúng ta kiểm tra cũng chỉ là phần ngọn”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, bài toán đặt ra là cần kiểm tra xe hợp đồng trá hình, có tiềm ẩn nguy cơ về thất thoát ngân sách nhà nước. Bởi bản chất xe hợp đồng không xuất vé, nhưng nếu trong bến chỉ cần xuất vé chính là hóa đơn (GTGT).

Ông Tuấn cũng cho rằng, quản lý xe hợp đồng có nhiều lỗ hổng, mỗi tỉnh chỉ có 10-15 đơn vị vận chuyển, nhiều doanh nghiệp công khai giá vé, chỉ cần nhắc nhở… sẽ có thể xử lý.

“Chúng ta chỉ cần khởi tố một vài doanh nghiệp thì đều có thể quản lý chặt chẽ. Hiện nay bến xe lại quản lý chặt chẽ nhưng lèo tèo khách”, ông Tuấn kiến nghị.

Doanh nghiệp vận tải này cũng cho biết hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện xe phòng đông (22 giường) nhưng lại chở tới hơn 40 khách, chở quá tải. Nếu thanh tra đứng kiểm tra một số đơn vị, doanh nghiệp với xe phòng đôi là phát hiện xe chở quá tải.

Bên cạnh đó việc cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TP, với lộ trình hiện nay đa phần đều xuất phát sau 22 giờ nên các đơn vị đang cố gắng chạy nhanh để vào TP trước 6 giờ, như vậy vô cùng nguy hiểm. Do đó, doanh nghiệp này đề xuất cấm xe giường nằm vào trung tâm 24/24 giờ.

Hoài Châu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kien-nghi-khoi-to-vai-doanh-nghiep-co-xe-hop-ong-tra-hinh-a634191.html