Kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn trong sử dụng nguồn lực phòng chống dịch

Sáng 22/12, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022; việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn thành phố' đối với Sở Y tế, Bệnh viện đa khóa Đức Giang; các Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng ...

Đây cũng là chuyên đề Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao trong năm 2023.

Giai đoạn 2020-2022, Sở Y tế Hà Nội được thành phố bố trí hơn 2.200 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên cho công tác phòng chống dịch; được Bộ Y tế phân bổ quy đổi tương đương hơn 2.100 tỷ đồng.

Trong triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định “người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí”, trong khi đó, thời gian cách ly kéo dài gây ra áp lực rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Quy định này cũng gây khó khăn trong huy động lực lượng y tế tư nhân, việc thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh của người bệnh Covid-19 có bệnh lý nền.

Trong công tác mua sắm, các loại máy móc, trang thiết bị có nhiều mức giá khác nhau nhưng các quy định hiện hành lại không cụ thể để xác định giá gói thầu.

Sở Y tế thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục đưa vào Nghị quyết kéo dài của Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc, nhất là cơ chế cho phép thanh toán từ nguồn NSNN để hoàn trả các đơn vị đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng chưa có Quyết định đặt hàng và hợp đồng đặt hàng; cơ chế đặc thù để thanh toán cho các nhà cung cấp trong trường hợp vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó bổ sung các quy định về đấu thầu hóa chất theo máy; sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh để phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện : Khắc Phục Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kien-nghi-quoc-hoi-thao-go-kho-khan-trong-su-dung-nguon-luc-phong-chong-dich