Kiến nghị tăng chế tài chống lậu và gian lận thương mại đường

Tại Hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2018-2019, triển khai Kế hoạch sản xuất niên vụ 2019-2020, diễn ra ngày 8/11/2019, liên quan đến chống đường nhập lậu và gian lận thương mại đường lậu, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã kiến nghị các cấp, ngành liên quan một loạt giải pháp mạnh.

Đường lậu “hủy diệt” ngành đường

VSSA cho biết, niên vụ mía đường 2018/2019, mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại đường từ nguồn nhập lậu là tác nhân chính gây khó khăn mang tính hủy diệt đối với ngành mía đường Việt Nam. Đường nhập lậu vào Việt Nam những năm vừa qua ngày càng gia tăng về quy mô, ước tính lên đến khoảng 800.000 tấn/năm (2019). Theo VSSA, nguồn gốc đường nhập lậu vào Việt Nam là đường phá giá xuất phát từ hành vi gian lận thương mại quốc tế của Thái Lan. Mặc dù các cơ quan chức năng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, song hiệu quả chống đường nhập lậu còn rất thấp.

VSSA cho rằng, do thiếu thông tin về bản chất gian lận thương mại đường nhập lậu, đã dẫn đến nhận định trình độ sản xuất mía đường Việt Nam còn yếu kém, giá đường luôn cao hơn giá thế giới. Để cạnh tranh với đường nhập lậu, một số doanh nghiệp của ngành đường Việt Nam đã phải giảm giá đường - giảm giá mua mía cho nông dân. Giải pháp này đã dồn người nông dân trồng mía vào con đường phá sản, bỏ trồng mía, kéo theo các nhà máy đường cũng không có mía nguyên liệu để sản xuất nên phải đóng cửa.

Hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2018-2019, kế hoạch niên vụ 2019-2020

Hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2018-2019, kế hoạch niên vụ 2019-2020

Thông tin sai lệch về bản chất của đường nhập lậu cũng đã khiến nhiều người xem việc kinh doanh đường lậu là bình thường, không nhận ra hoặc cố tình phạm pháp, tác động ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân trồng mía. Bên cạnh đó, bản thân VSSA cũng còn thiếu sót, quá ỷ lại vào các cơ quan Nhà nước về chống buôn lậu và gian lận thương mại đường, mà không nỗ lực tự thân kiểm soát hệ thống thương mại phân phối là nơi cung cấp đầu ra cho đường nhập lậu, đặc biệt tại các thành phố lớn, nên cũng đã khiến tình trạng đường lậu và gian lận thương mại đường lậu diễn ra phức tạp.

Tình trạng nhập lậu đường vào Việt Nam (chủ yếu là từ Thái Lan) được ghi nhận từ năm 1999, thế nhưng đến nay chỉ mới có duy nhất một trường hợp trùm buôn lậu “Tỷ Đường” bị bắt, còn lại chưa hề có một đơn vị phân phối thương mại đường lậu nào bị nhắc nhở hay cảnh cáo. Thậm chí, có dấu hiệu tiếp tay của một số đơn vị thương mại đường là thành viên của VSSA với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gian lận thương mại đường, thông qua giao dịch, cung cấp hóa đơn để hợp pháp hóa đường nhập lậu. Một số dấu hiệu khác cho thấy, có thể có một số công chức tiếp tay, bảo kê cho các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu. Nhiều đợt kiểm tra của quản lý thị trường, của công an kinh tế liên quan đến vấn đề này tại các thành phố lớn, các đối tượng gian lận thương mại đường lậu đều biết trước.

Các bất cập của hệ thống pháp luật liên quan đến chống buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, cũng đã không được ngành đường nhận diện kịp thời, để kiến nghị các cơ quan nhà nước điều chỉnh, qua đó thu hẹp các kẽ hở đang bị các đối tượng bất chính lợi dụng.

Tăng cường biện pháp, chế tài mạnh

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đường lậu, VSSA cho rằng, phải thiết lập hệ thống truy xuất xuất xứ mặt hàng đường. Hệ thống này cần kết hợp với công nghệ sử dụng “mã QR code” hoặc “chip” giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn với đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Các nhà máy đường cần bổ sung sản phẩm đường đóng gói loại bao bì nhỏ (0,5 - 1kg) cùng với hệ thống phân phối để giảm hiện tượng các tiểu thương lợi dụng thực hiện sang chiết, đóng gói… làm đầu ra cho đường nhập lậu. Tất cả đường tiêu thụ trực tiếp trên thị trường phải có thương hiệu, có thể truy xuất xuất xứ.

VSSA kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất: Sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thuộc lĩnh vực kinh doanh thực phẩm quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều kiện đầu tư, kinh doanh cơ sở sản xuất thực phẩm đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói với một đơn vị thành viên sản xuất của VSSA.

Kiểm tra kinh doanh thương mại mặt hàng đường (Ảnh minh họa)

Điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá, trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của VSSA tham gia.

Bộ Công an hướng dẫn các địa phương liên quan thống nhất cách xử lý các phương tiện vận chuyển đường nhập lậu. Tạm giữ phương tiện (vận dụng Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), sau đó nếu xác định vi phạm thì tịch thu (vận dụng Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc vi phạm nhiều lần/tái phạm).

Tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc vi phạm nhiều lần/tái phạm

Đồng thời, VSSA kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung các quy định nhằm hạn chế gian lận thương mại loại hình sản xuất xuất khẩu mặt hàng đường. Theo đó, nhập khẩu đường loại hình sản xuất xuất khẩu, phải có kho chứa riêng bảo đảm kiểm soát được lượng đường nhập khẩu bất kỳ lúc nào, không trộn lẫn với đường có nguồn gốc khác (đường sản xuất từ mía cây trong nước, hoặc đường nhập kinh doanh được phép tiêu thụ trong nước). Kho chứa này cần đăng ký trong hồ sơ xin nhập khẩu, bảo đảm đủ sức chứa lượng đường xin nhập theo từng lô, có hệ thống sổ sách để kiểm tra tồn kho, nếu không có kho chứa riêng phải chứa trong kho ngoại quan.

Các sản phẩm sản xuất từ đường nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu, cũng phải chứa trong kho riêng tạm thời, không trộn lẫn với các sản phẩm có nguồn gốc khác, có hệ thống sổ sách để kiểm tra tồn kho. Lượng sản phẩm sản xuất từ đường nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu chỉ được chứa trong kho chứa tạm thời trong thời gian không quá 3 tháng, sau đó phải chuyển đến kho ngoại quan.

Ngoài ra, VSSA còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó, đối với mặt hàng đường, phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói với một đơn vị thành viên sản xuất của VSSA.

Điều chỉnh yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn. Trong đó, đối với mặt hàng đường, hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói với một đơn vị thành viên sản xuất của VSSA.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kien-nghi-tang-che-tai-chong-lau-va-gian-lan-thuong-mai-duong-128010.html