Kiến nghị tháo gỡ ách tắc cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Ngày 30-11, đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, sau gần 3 năm đi vào khai thác, phương án tài chính của dự án chỉ đạt 31,5% so với phương án ban đầu, dẫn đến dự án gặp nhiều ách tắc.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần, hợp phần nâng cấp Quốc lộ 1 dài 110km thu phí từ tháng 6-2018, hợp phần cao tốc dài 64km thu phí từ tháng 2-2020. Dự án không có vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, sử dụng 100% vốn do nhà đầu tư tự huy động để thực hiện.

Trong quá trình triển khai, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã tập trung nguồn lực, huy động máy móc, thiết bị, con người, vật tư, vật liệu hoàn thành dự án vượt tiến độ 3 tháng, đưa tuyến đường vào vận hành khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.

Quá trình vận hành thu phí đến nay, doanh thu của dự án chỉ đạt 1.208 tỷ đồng tương ứng 31,5% so với phương án tài chính ban đầu, không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng do các yếu tố khách quan.

Cụ thể, theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, dự án đã bỏ 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 tại Km24+800 so với hợp đồng dự án ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu khoảng 6.907 tỷ đồng trong cả vòng đời dự án. Miễn giảm phí tại trạm thu phí Km93+160 Quốc lộ 1 dẫn đến sụt giảm doanh thu thu phí khoảng 46,4% (84 tỷ đồng/năm). Bên cạnh đó, trích 2% doanh thu trước thuế của Trạm thu phí Km93+160 Quốc lộ 1 và các trạm thu phí cao tốc để tổ chức thu phí tự động không dừng ETC.

 Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giúp phương tiện lưu thông thuận tiện, nhanh chóng. Ảnh: TUẤN LINH

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giúp phương tiện lưu thông thuận tiện, nhanh chóng. Ảnh: TUẤN LINH

Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giai đoạn hiện nay, lưu lượng phương tiện giảm mạnh, không đảm bảo theo phương án tài chính được duyệt làm ảnh hưởng đến nguồn thu phí hoàn vốn cho dự án.

Trước những khó khăn đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã dừng giải ngân vốn vay tín dụng từ ngày 30-9-2020, dẫn đến không có chi phí để thanh toán cho nhà thầu, không có cơ sở quyết toán. Đồng thời, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh trật tự tại trạm thu phí, gián đoạn công tác thu phí.

Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn kiến nghị ngân hàng điều chỉnh cơ cấu nợ của dự án trong năm 2023 trên cơ sở nguồn thu thực tế hiện nay; đồng thời tiếp tục giải ngân phần tín dụng còn lại không để dự án bị ách tắc; xem xét giảm lãi suất, giãn nợ để phù hợp với các khó khăn mà dự án đang gặp phải.

Xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% theo quy định khi dự án thâm hụt nguồn thu. Đồng thời, cần thúc đẩy triển khai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nhằm khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn - Hà Nội trong năm 2025 theo quy hoạch.

Sau khi tiếp nhận văn bản kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã trực tiếp thị sát và nắm tình hình tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

 Trạm thu phí trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: TUẤN LINH

Trạm thu phí trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: TUẤN LINH

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá đây là dự án có thời gian thi công nhanh, bảo đảm về chất lượng và an toàn, cho thấy năng lực và sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc bỏ một trạm thu phí so với hợp đồng dự án ban đầu cộng với cam kết hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho dự án chưa được thực hiện là nguyên nhân chính khiến phương án tài chính của dự án không được bảo đảm.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải xác định rõ bất cập, trách nhiệm của các bên. Nếu dự án được thực hiện chính đáng, triển khai theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội mà gặp khó khăn khách quan thì nhà nước phải hỗ trợ hoặc thực hiện trách nhiệm theo quy định tại hợp đồng. Có thể hỗ trợ thông qua nhiều giải pháp như: Kéo dài thời gian thu phí dự án, cân đối phương án về phí thu, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại vốn hoặc ưu đãi lãi suất nếu gặp khó khăn. Việc hỗ trợ dự án cũng giúp tạo niềm tin, thu hút nguồn vốn xã hội hóa cùng Nhà nước phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/kien-nghi-thao-go-ach-tac-cho-cao-toc-bac-giang-lang-son-712579