Kiên quyết bài trừ hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. 'Vấn nạn' này có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 12 năm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 – 29/11/2019), nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, ngày 26/11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”. Đây là hoạt động chính nằm trong Tuần lễ Phòng chống hàng giả, hàng nhái năm 2019.

Xuất hiện xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh – môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian vừa qua bao gồm: Thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập); vật liệu xây dựng; mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy; xe máy điện, xe đạp điện; hàng tiêu dùng, thời trang….

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Bộ Công Thương), nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Đặc biệt, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả. Thậm chí hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Tiếp đó, thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...

Đơn cử, như gas - mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao nếu sử dụng vỏ bình giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Trần Trọng Hữu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc - cho biết, hiện nay, tình trạng chiết nạp gas trái phép được các đối tượng vi phạm hoán cải bình gas bằng cách mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra thị trường, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và uy tín của các thương nhân kinh doanh gas chân chính. Đặc biệt đây còn là mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ.

Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng internet cũng ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) – cũng chỉ ra những chiêu lừa đảo, gian lận của các đối tượng vi phạm trên mạng internet như nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo rất nhiều, song không có địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ chung chung, chỉ nhận inbox với mục đích bán hàng giả hoặc lấy thông tin khách hàng để lừa đảo. Hoặc thông báo trúng thưởng sau đó yêu cầu khách hàng đặt cọc…

Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra”- ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết thêm.

Trước “vấn nạn” trên, thời gian vừa qua, lực lượng QLTT cả nước đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung nguồn lực triển khai các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội, những nỗ lực cố gắng lực lượng QLTT đã mang lại những kết quả tốt, tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường. Sau hơn 1 năm thành lập Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Một số vụ việc điển hình bị lôi ra ánh sáng phải kể đến như: Quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TP. Hồ Chí Minh (khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square), TP. Hà Nội (khu vực chợ Ninh Hiệp-Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên); TP. Hải Phòng (kho hàng hóa tại quận Hải An). Hay vụ ”tấn công” đường dây sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; phát hiện hàng trăm, nghìn đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu của Thụy Sĩ tại Đà Nẵng, Khánh Hòa; kinh doanh âm ly hiệu Suhyoung Jarguar giả mạo xuất xứ Hàn Quốc trên địa bàn một số tỉnh, thành phố: Nghệ An, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh...

Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại Diễn đàn

Tăng cường phối hợp chặt chẽ

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá của ông Hoàng Ánh Dương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT: "Nhìn chung, công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường; công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn.

Đơn cử như, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, nhất là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở...

Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…). Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được”- ông Nguyễn Tiến Đạt chỉ rõ.

Ngoài ra, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong khi đó, bản thân người mua hàng rất khó phát hiện. Ngoài ra, nhận thức của công chúng và của chủ thể quyền ở Việt Nam về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa chủ động bảo vệ quyền và tài sản của mình, vẫn trông chờ vào Nhà nước, vào cơ quan thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, những văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể.

Thượng tá Đỗ Đức Tạo – Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công An (C03) dẫn chứng, Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn địa lý, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, mà không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự, nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng, hoặc nhiều hơn, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau. Theo đó, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ quy định trong Bộ Luật Hình sự; hướng dẫn xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo hướng cơ quan điều tra được ra quyết định khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại.

Ngoài ra, lực lượng QLTT cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,...), từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp. Đặc biệt, tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp để triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường (nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng hóa may mặc, mặt hàng tiêu dùng gia dụng thiết yếu,...). Trong môi trường mạng internet, cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, “các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cần phải đầu tư công nghệ, bảo vệ chính thương hiệu, sản phẩm của mình bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, có những dấu hiệu nhận biết để giúp cơ quan quản lý nhà nước, người dân có thể phát hiện sản phẩm mà nghi ngờ dấu hiệu làm giả. Bên cạnh đó, trong quá trình đấu tranh, xử lý, mong các chủ thể quyền gắn kết để xử lý đến nơi, đến chốn và tận gốc. Thời gian tới, mục tiêu làm thế nào để các đối tượng không thể làm giả hoặc không dám làm giả. Điều đó đến từ văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực thi văn bản pháp luật, cũng như tăng chế tài, hướng dẫn cụ thể để lực lượng chức năng xử lý rõ ràng các hành vi vi phạm, từ pháp luật hành chính đến xử lý hình sự” - ông Vũ Hùng Sơn – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh.

Sắp tới, Tổng cục QLTT sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm

Thu Phương - Vũ Cương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kien-quyet-bai-tru-hang-gia-hang-nhai-ra-khoi-thi-truong-128871.html