Kiên quyết chấm dứt khai thác nước ngầm

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động phối hợp các đơn vị cấp nước ký kết kế hoạch vận động người dân sử dụng nước máy, trám lấp giếng khoan thực hiện Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm theo chủ trương của UBND thành phố. Ðây là hành động cấp thiết bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm, hạn chế tình trạng sụt lún và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Kiểm nghiệm chất lượng nước đầu ra tại Nhà máy nước Thủ Ðức.

Tham dự buổi ký kết liên tịch giữa UBND phường Phú Trung, quận Tân Phú với Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vào đầu tháng 6, ông Nguyễn Thái Hòa, tổ trưởng tổ 53, khu phố 3, phường Tân Phú Trung cho rằng, nội dung ký kết không chỉ đơn thuần là tuyên truyền, vận động mà còn lồng ghép hình thức chế tài rất cụ thể đối với cơ quan, đơn vị, hộ dân có sử dụng nước giếng khoan (nước ngầm). Ðơn cử như doanh nghiệp, hộ dân có sản lượng tiêu thụ nước máy thấp, từ 0 - 4 m3/tháng phải cam kết không tiếp tục khai thác và sử dụng nước ngầm, chuyển sang sử dụng nước máy. Hoặc khách hàng không sử dụng nước máy liên tục trong thời hạn ba kỳ tiền nước thì công ty cấp nước tiến hành ngừng cung cấp nước và thu hồi đồng hồ...

Với hình thức chế tài quyết liệt này, theo ông Hòa, chính là cơ sở để tổ trưởng tổ dân phố, khu phố thuyết phục hộ dân không sử dụng và khai thác nước ngầm, thay vì chỉ tuyên truyền suông hộ dân sẽ không chấp hành. Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch UBND phường Phú Trung, quận Tân Phú chia sẻ: Không chỉ tuyên truyền, chế tài đối với khách hàng là hộ dân, đơn vị đang sử dụng nước ngầm mà địa phương sẽ phối hợp đơn vị quản lý cấp nước điều tra, thống kê, lập danh mục giếng phải trám lấp.

Ðồng thời, kiểm tra, giám sát việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định, tiến tới thực hiện chủ trương đến năm 2025 chấm dứt khai thác nước ngầm như quy định của UBND thành phố. Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân thông tin, thống kê tại phường Phú Trung, quận Tân Phú thuộc khu vực công ty quản lý cấp nước có 1.173 đồng hồ nước không sử dụng hoặc sử dụng từ 1-4m3 (chiếm tỷ lệ 18,14%); số hộ có đồng hồ nước bằng 0 chiếm gần 8%. Do đó, Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân phối hợp chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chế tài ở địa bàn này để nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy.

Hiện, Công ty cổ phần Cấp nước Trung An đang quản lý 348.669 đồng hồ nước, cấp nước cho các quận: 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Trong đó, số lượng đồng hồ nước không sử dụng (tiêu thụ 0m3/tháng) chiếm tỷ lệ 14%. Ðặc biệt, địa bàn huyện Hóc Môn có lượng đồng hồ nước đã lắp đặt nhưng không sử dụng nguồn nước máy chiếm tỷ lệ cao nhất là 17% (19.325 đồng hồ nước). Trong tháng 5, công ty đã ký kết liên tịch với UBND các xã: Nhị Bình, Trung Chánh, Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn là các xã có số lượng đồng hồ nước bằng 0 rất cao để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước máy thay cho nước ngầm.

Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Trung An Nguyễn Minh Hải, rất nhiều hộ gia đình ở khu vực vùng ven vẫn lựa chọn sử dụng nước giếng khoan trong khi đồng hồ nước được gắn tận nhà. Một số doanh nghiệp, mặc dù đã có hệ thống nước máy nhưng vẫn sử dụng nguồn nước ngầm trong sản xuất, kinh doanh do được cấp phép khai thác nước ngầm của cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài nguyên và Môi trường). Việc này vừa gây lãng phí nguồn nước sạch có sẵn, vừa gây ảnh hưởng rất nhiều đến địa tầng và chất lượng của nguồn nước ngầm thành phố, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe của chính khách hàng.

Ông Ðào Phú Khánh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe y tế trường học-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Qua kiểm soát và đánh giá chất lượng nước giếng khoan của thành phố mới đây, có đến 70% số giếng (298/398 mẫu) không đạt các chỉ tiêu như: PH, amoni, sắt, vi sinh vật, asen. PH thấp sẽ ảnh hưởng tới da, gây ngứa; đối với sắt thì gây vàng ố quần áo, trang thiết bị, không xử lý mà sử dụng thì ảnh hưởng đến tiêu hóa; asen gây ung thư da và phổi... Do đó, các cơ quan chức năng nên tổ chức giám sát, cảnh báo và khuyến cáo người dân ngừng dùng nước giếng để bảo đảm sức khỏe.

Tổng Giám đốc Sawaco Trần Quang Minh nhìn nhận: Thời gian qua, Sawaco và các đơn vị cấp nước thành viên đã triển khai nhiều giải pháp vận động người dân sử dụng nước sạch, giảm khai thác nước ngầm nhưng đến nay chưa thấy hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ hóa đơn bằng 0 nhiều năm nay vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến người dân không sử dụng nước sạch là sự dễ dàng trong khai thác nước ngầm, thói quen sử dụng nước ngầm đã có từ lâu và chi phí sử dụng nước ngầm rẻ hơn so với sử dụng nước sạch.

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước máy của thành phố, hạn chế và tiến tới ngưng khai thác nước ngầm, Sawaco sẽ xây dựng phương án giảm giá nước để khuyến khích người dân sử dụng nước sạch nhằm giảm hóa đơn từ 0-4m3. Ðồng thời, đề nghị UBND thành phố cho Sawaco được thỏa thuận với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp áp dụng mức giá phù hợp để tăng tỷ lệ sử dụng nước máy vì hiện các khu chế xuất, khu công nghiệp sử dụng nước ngầm vẫn rất cao…

Theo Sawaco, thành phố Hồ Chí Minh có 160 nghìn đồng hồ nước không sử dụng (chiếm tỷ lệ 12%), đồng hồ nước có chỉ số từ 0-4 m3/tháng chiếm 8%, cho thấy đây là sự lãng phí rất lớn, vì chi phí gắn đồng hồ nước do Sawaco bỏ ra trung bình từ 3-5 triệu đồng/đồng hồ.

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/kien-quyet-cham-dut-khai-thac-nuoc-ngam-700671/