Kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động khi có bão

Trong thời gian có bão không để tàu thuyền hoạt động, chú ý cả thuyền nhỏ ven bờ, lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản. Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp ứng phó với bão số 13 ngày 12-11.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu quản lý chặt chẽ tàu thuyền và có phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Bích Nguyên

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay, bão Vamco đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 13. Dự báo đến 7 giờ ngày 13-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão số 13 có hướng đi dị thường như cơn bão Hải Yến năm 2013 gây thiệt hại lớn, vì vậy phải có chiến lược ứng phó cho đúng với cơn bão này, hoàn toàn không thể chủ quan về mặt dự báo, ứng phó.

Hiện, các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận dài 1.227 km, cơ quan chức năng đã phát hiện 64 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 134km. Ngoài ra, trên các tuyến đê còn có 34 công trình đê, kè đang thi công với tổng chiều dài 48,72km.

Do đó, ngoài việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương chú ý đề phòng đê biển, các điểm sạt lở chạy dài toàn tuyến miền Trung có thể gây nguy hiểm.

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, triển khai phương án gia cố, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, công trình đang thi công và các sự cố đã xảy ra để ứng phó với bão. Đồng thời, cần quan tâm đến các hồ chứa từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Về việc kêu gọi tàu thuyền, tính đến 6 giờ ngày 12-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người. Hiện còn 4 tàu/ 47 lao động (Bình Định: 3 tàu/33 lao động; Hà Tĩnh: 1 tàu/14 lao động) trong khu vực nguy hiểm đang di chuyển vòng tránh.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, diện tích nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 13 là 52.427ha và hơn 238.000 lồng, bè (nhiều nhất là Phú Yên 120.618, Khánh Hòa 87.413, Thanh Hóa 13.000 lồng bè). Các địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn trước khi bão vào để tránh thiệt hại.

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm soát việc di chuyển, trú tránh của các tàu, thuyền, tránh việc di chuyển chậm, hư hỏng như đã xảy ra ở các trận bão trước; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và tại các khu neo đậu.

Đồng thời, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn, sơ tán dân, khách du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển; hoạt động kinh tế, khai thác dầu khí trên biển. Tăng cường bắn pháo hiệu thông báo bão.

Đối với khu vực đất liền, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm. Đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực sơ tán, không để phát sinh dịch bệnh. Có phương án đảm bảo an toàn đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung tại khác khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.

Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; vận hành linh hoạt, luân phiên đối với các hồ thuộc hệ thống liên hồ.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-quyet-khong-de-tau-thuyen-hoat-dong-khi-co-bao-post435049.html