Kiên quyết không hy sinh an sinh xã hội, môi trường xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần

Sáng 14-1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc 'Triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động - người có công và xã hội năm 2023'.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hơn 104 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động

Đánh giá tình hình thực hiện năm 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch Covid-19.

Công tác cứu trợ khẩn cấp được triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Ngành đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Ngành cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Quang cảnh hội nghị.

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, toàn ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ…

Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.

Triển khai công tác năm 2023, đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, toàn ngành phải nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại. Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, bảo đảm nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.

Về lâu dài, phải tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học, công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Triển khai toàn diện, thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là với người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với trung ương, các ban, ngành.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm hiệu quả của Thủ đô, trong đó khẳng định: “Cùng với tập trung các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thành phố tập trung bảo đảm an sinh xã hội với quan điểm chăm lo an sinh xã hội tương xứng và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhận Cờ Thi đua của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 16 địa phương và 21 đơn vị trực thuộc có nhiều thành tích tiêu biểu trong công tác năm 2022. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện các quan điểm điều hành, bao gồm: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có liên quan đến lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bám sát tình hình thực tế; phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, điều hành chuyên sâu, tổ chức thực hiện hiệu quả...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ các nhiệm vụ mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung thực hiện. Đó là, tiếp tục thể chế hóa, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng theo chức năng, quyền hạn của các cấp và chủ động, tích cực thực hiện. Triển khai các cơ chế, chính sách bao trùm mọi đối tượng, khẳng định mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm phục vụ nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết không hy sinh an sinh xã hội, môi trường xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm toàn xã hội, mọi xã, phường, thị trấn cùng chung tay chăm sóc người có công. Phát triển thị trường lao động đúng nghĩa mang tính cạnh tranh, linh hoạt, bền vững. Tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở và khả năng đáp ứng của lao động có trình độ, kỹ năng chất lượng cao. Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội, tiếp thu các mô hình quốc tế phù hợp với Việt Nam về giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội...

Đồng thời, làm tốt công tác giảm nghèo đa chiều bền vững; quan tâm chăm sóc trẻ em, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan bảo đảm an ninh, an toàn, an dân, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội về cai nghiện ma túy, bình đẳng giới… Tăng cường cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của ngành; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chống tham nhũng, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đảng, công tác tổ chức - cán bộ, điều hành bộ máy, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của mọi công tác phục vụ của ngành; tiếp tục thực hiện tinh giản bộ máy theo Nghị định mới của Chính phủ, bảo đảm tính hiệu quả trong các hoạt động.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1053130/kien-quyet-khong-hy-sinh-an-sinh-xa-hoi-moi-truong-xa-hoi-vi-su-phat-trien-kinh-te-don-thuan