Kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư kém hiệu quả

Chiều 24/11, Quốc hội họp phiên bế mạc và tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Nghị quyết có 2 Điều trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng, và Tòa án được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Theo dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày thì Nghị quyết có 2 Điều, trong đó vấn đề được cử tri người dân quan tâm nhất Điều 1.

Cụ thể, ngoài vấn đề Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao…, thì về lĩnh vực tài chính, Nghị quyết, nêu rõ việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý, tiếp tục giảm mạnh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… Tích cực triển khai thực hiện thông suốt cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tiếp tục giảm thời gian thông quan.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại. Phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp ngay từ khâu đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư đến xuất bán hàng hóa, sản phẩm để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống chuyển giá. Rà soát, đổi mới công tác thu thuế đối với hộ kinh doanh.

Sớm ban hành Nghị định về hóa đơn điện tử, quy định về đẩy mạnh tuyên truyền để thực hiện nghiêm việc sử dụng hóa đơn trong mua, bán hàng hóa, xử lý nghiêm việc không chấp hành pháp luật trong sử dụng hóa đơn. Thực hiện các biện pháp để xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý.

Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch; có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua từng năm. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Quản lý nợ công. Thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công cụ nghiệp vụ quản lý nợ công, quản lý chặt chẽ việc bảo lãnh của Chính phủ, việc vay về cho vay lại; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư kém hiệu quả, các lĩnh vực mà Việt Nam đã làm chủ công nghệ. Rà soát, tổng hợp giá trị các dự án mới ký kết và có khả năng sẽ ký kết trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo nợ công trong giới hạn quy định.

Ở lĩnh vực ngân hàng, Nghị quyết yêu cầu, việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương chung; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Hoàn thiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, trong đó, chú trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; có giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống, đẩy mạnh kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động cho vay hỗ trợ ngư dân, nhà ở xã hội, hỗ trợ học sinh, sinh viên; kiểm soát hoạt động cho vay các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) theo hướng vừa bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế.

Khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng; triển khai có hiệu quả các đề án, giải pháp để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chú trọng quản trị rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong năm 2018, rà soát, sửa đổi các quy định về hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân bảo đảm an toàn, hiệu quả, đáp ứng tình hình mới. Triển khai tích cực Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh ứng dụng và bảo đảm an ninh, an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, xử lý căn bản và thực chất nợ xấu; có các giải pháp phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có tiềm lực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm cảnh báo sớm và phát hiện kịp thời các yếu kém trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, giảm thiểu rủi ro; sử dụng hiệu quả thông tin đánh giá tín nhiệm các tổ chức tín dụng; tiếp tục rà soát để xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, bảo đảm trật tự, kỷ cương và an toàn trong hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống.

Quản lý hoạt động cho vay của các công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật. Có các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực và bộ máy quản trị của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân thì, khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về hoạt động tư pháp để bảo đảm các quy định mới được thi hành kịp thời, thống nhất. Thực hiện đúng nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tiếp tục phát triển án lệ. Triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên cổng thông tin điện tử.

Có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại án, quyết định của Tòa án. Trong đó: Đối với việc xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, có giải pháp để tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này; tiến hành tổng kết và đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về việc xét xử lưu động các vụ án hình sự. Đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hạn chế tối đa việc hủy án nhiều lần dẫn tới kéo dài việc giải quyết; khắc phục triệt để việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành…

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Giao Chính phủ bố trí nguồn lực tài chính từ dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để đầu tư cho việc xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án cấp huyện trong hai năm 2018-2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, báo cáo kết quả việc thi hành án hành chính tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, có 461/464 đại biểu “ấn nút” tán thành, bằng 93,89%, 02 đại biểu không tán thành, bằng 0,41% và 01 đại biểu không biểu quyết. Nhu vậy Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4.

Nguyễn Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kien-quyet-khong-su-dung-von-vay-cho-cac-du-an-dau-tu-kem-hieu-qua-120784.html