Kiên quyết loại bỏ dự án “rùa”

Bệnh thành tích, năng lực thẩm định dự án kém... là nguyên nhân dẫn đến việc cấp phép tràn lan các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở nhiều tỉnh, thành hiện nay.

“Hoành tráng, quy mô” là thành tích Gần đây, nhiều "siêu dự án" bị rút giấy phép hoặc chủ động rút lui sau thời gian chậm thực hiện, một số địa phương cũng thừa nhận đã cấp phép tràn lan. Trao đổi với Thanh Niên, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chia sẻ: Những năm 2006 - 2008, chúng ta chưa có cách chuyển căn bản từ việc tối đa hóa khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang thu hút có hiệu quả. Coi thu hút FDI quy mô, hoành tráng là một thành tích. Hơn nữa, chúng ta chưa đặt ra các vấn đề nghiêm khắc nhất trong xem xét FDI tác động ra sao đến những lĩnh vực khác như môi trường, quy hoạch đất và sử dụng đất... GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phân tích, từ năm 2006, Thủ tướng phân cấp cho các địa phương được quyền cấp phép nên nhiều nơi đã quan tâm hơn đến xúc tiến đầu tư, lôi kéo, dành ưu đãi cho nhà đầu tư (NĐT), nhưng cũng chú trọng nhiều đến lợi ích cục bộ hơn là lợi ích chung, không quan tâm đến quy hoạch chung cả nước, hay vấn đề môi trường. Đồng thời các bộ, ngành không đề ra được tiêu chí kiểm tra giám sát hậu phân cấp. Đáng tiếc là năng lực thẩm định của đa số địa phương rất yếu, kết quả là các dự án chiếm đất, vốn đăng ký thì lớn nhưng không thực hiện được. "Sắp tới, Chính phủ cần đưa ra định hướng cho rõ, xác định những lĩnh vực chỉ dành cho doanh nghiệp VN, ví dụ nhiều dự án khu đô thị VN hoàn toàn có thể xây dựng được, tại sao phải thu hút FDI để một ông nước ngoài nào đó vào đầu tư chỉ 15% vốn đăng ký rồi bán đi bán lại thành mấy tỉ USD. Mặt khác, phải nâng cấp chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó chỉ dẫn cho các địa phương được làm ngành gì, thu hút dự án lĩnh vực nào" - ông Mại nói. Kiên quyết với các dự án giữ đất quá lâu Để xử lý những dự án triển khai ì ạch, theo TS Thành, một mặt phải rất kiên quyết xem xét lại dự án để có thể đình, hoãn. Phải triệt để nhìn nhận lại tất cả các tác động của dự án đó cũng như khả năng của NĐT. Quan trọng hơn là rút ra bài học kinh nghiệm để qua đó xây dựng chiến lược, chính sách thu hút đầu tư có hiệu quả tốt hơn... Cách làm phải khéo léo, tránh gây hình ảnh bất lợi của VN trong con mắt NĐT. Theo quy định, dự án sau cấp phép một năm NĐT phải triển khai nếu không sẽ xem xét rút giấy phép. Nhưng đó là quy định trên văn bản, còn trên thực tế, việc này rất ít xảy ra bởi thiệt hại cho cả ba bên: địa phương, NĐT và người dân. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, phân tích: “Tâm lý của các địa phương là mong muốn dự án được thực hiện và cố gắng duy trì dự án chứ không phải muốn rút. Nhưng có trường hợp phải dứt khoát đối với những NĐT không có khả năng, không chuyên nghiệp, không có chuyên môn triển khai, chỉ vào đây tìm kiếm cơ hội sang nhượng dự án”. Ngoài ra, theo bà Vân, sau cấp phép các địa phương cần làm tốt hơn công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Ở nhiều nước trên thế giới có sự phối hợp và theo dõi sát sao dự án. Sau khi thu hút vào họ theo NĐT cho đến khi dự án thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên ở ta trong thời gian choáng ngợp thu hút những dự án thì cứ thu hút vào đã, còn cung cấp những điều kiện thực hiện dự án chưa được quan tâm đúng mức... Các cơ quan quản lý chưa theo sát từng dự án để xử lý, đặc biệt những địa phương có khối lượng dự án lớn ở phía Nam nhưng không thể nào theo sát dự án, gặp gỡ định kỳ với NĐT nhằm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung, nhận định những tháng đầu năm nay vốn đăng ký FDI vào VN giảm sút mạnh (8 tháng là 11,5 tỉ USD, giảm khoảng 13% so cùng kỳ - PV), điều đó một phần thể hiện các địa phương đã nhìn nhận lại nguồn vốn FDI sau những năm thu hút ồ ạt với các tiêu chuẩn dự án khá thấp. “Nói các địa phương thu hút đầu tư tràn lan là hơi cảm tính, nhưng cũng không sai bởi thiếu cân nhắc trong thẩm định dự án về mặt năng lực của NĐT, khả năng thực hiện dự án, tính hữu ích của dự án, tính liên vùng của dự án... Các tỉnh cũng cạnh tranh nhau để thu hút dự án; chú trọng số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng. Hậu quả là nhiều dự án “treo”. N.Trần Tâm - Mai Hà

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201036/20100903002426.aspx