Kiên quyết loại trừ hàng giả thương hiệu ra khỏi thị trường

Giả thương hiệu một trong những tình trạng nổi cộm thời gian qua, ảnh hưởng đến kinh doanh của DN. Nhiều vụ hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng đã bị lực lượng quản lý thị trường đưa ra ánh sáng.

Phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả thương hiệu

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện xử lý.

Điển hình như vụ thu giữ hàng nghìn sản phẩm “hàng hiệu” tại Thương trường quốc tế Hồng Nguyên và Trung tâm thương mại ASEAN tại Móng Cái (Quảng Ninh); truy quét hàng chục nghìn chiếc đồng hồ giả mạo thương hiệu Thụy Sĩ tại Khánh Hòa (Nha Trang), Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; vụ kiểm tra điện thoại giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG.

Hay vụ bắt giữ tận xưởng đường dây sản xuất hàng nhái thương hiệu The North Face ở Hưng Yên vừa được Cục QLTT Hưng Yên chấm dứt điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ sự việc cho cơ quan công an thụ lý. Đặc biệt, mới đây, Đội QLTT số 8 (Cục QLTT TP.Hà Nội) cũng đã tạm giữ 1.400 sản phẩm túi xách, ví có dấu hiệu giả các nhãn hiệu Hermes, LV, Dior và Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Không chỉ làm giả, nhái các thương hiệu đồng hồ, giày dép, quần áo… mà cả mặt hàng xăng dầu, phân bón cũng bị làm giả rất tinh vi. Mới đây, ngày 18/11, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ gần 100 lít dầu nhớt nhái thương hiệu Castrol chuẩn bị đưa vào tiêu thụ. Hay Cục QLTT tỉnh Long An cũng vừa tiêu hủy 4.350 kg phân bón giả nhãn hiệu Super hạt Lân Canxi Magie…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), hiện nay nhiều DN dường như đã bó tay trước tình trạng hàng nhái hàng giả.

Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Điện tử Minh Tuấn - cho hay, công ty là nhà phân phối độc quyền các mặt hàng điện tử mang nhãn hiệu BMB tại Việt Nam nhưng trên mạng có không dưới 20 trang web đang kinh doanh nhãn hàng BMB giả.

Do hàng giả giống như hàng thật, lại bán chỉ có 50% giá, các kênh bán hàng online hàng giả này chiêu dụ hết khách hàng. Trong năm 2019, hàng giả nhãn hiệu đã gây lỗ cho công ty không dưới 40 tỷ đồng.

Gần 3.000 sản phẩm giả nhãn hiệu bị Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) thu giữ tại chợ Ninh Hiệp

Gần 3.000 sản phẩm giả nhãn hiệu bị Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) thu giữ tại chợ Ninh Hiệp

Theo Tổng cục QLTT (Bộ Công thương), hiện nay các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hoặc hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.

Tấn công mạnh hơn vào “điểm nóng”

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, song vẫn còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường. Theo ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, nguyên nhân là do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và nhận thức chưa đầy đủ của DN trong nước cũng là trở ngại cho hoạt động của lực lượng QLTT.

Nhiều DN rất chủ động phối hợp với lực lượng QLTT, đặc biệt là DN nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả thì sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, DN trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này” – ông Trần Hữu Linh dẫn chứng.

Để hạn chế được tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, tại buổi làm việc với Tổng cục QLTT mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lực lượng QLTT cần đổi mới cách thức, phương thức QLTT, tập trung đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, chọn những khâu cơ bản trong hệ thống để đánh thẳng.

Cụ thể, các QLTT địa phương triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường (nhất là các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất). Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, báo chí, hiệp hội, DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các hộ kinh doanh, DN và người dân nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường. Đối với từng địa bàn cụ thể, đặc biệt là tại các khu vực kinh doanh tập trung, QLTT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, như tổ chức ký cam kết, hướng dẫn trực tiếp để doanh nghiệp nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Thu Hoài

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/kien-quyet-loai-tru-hang-gia-thuong-hieu-ra-khoi-thi-truong-162411.html