Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại

Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc sau bài viết 'Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản'. Hồi âm của bạn đọc đồng tình với nội dung báo nêu và đưa dẫn chứng việc một cán bộ cấp tướng nghỉ hưu có biểu hiện mắc căn bệnh trên; đồng thời phân tích, kiến nghị phải kiên quyết ngăn ngừa, xử lý để giữ gìn kỷ luật đảng, kỷ cương phép nước, danh dự quân đội. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến dưới đây:

Làm tướng phải có tâm và có tầm

 Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM VĂN TRÀ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).

Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM VĂN TRÀ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có biết bao tấm gương về sự cống hiến, hy sinh, nhiều người được phong tặng danh hiệu anh hùng. Nhưng tôi cho rằng sự hy sinh của nhân dân mới là sự hy sinh lớn nhất và cao quý nhất. Vì vậy, không ai được phép dùng công trạng nhỏ bé của mình để tâng bốc bản thân, có những hành động và phát ngôn bừa bãi. Bài viết trên Báo QĐND về bệnh công thần đã góp phần phê phán kịp thời hiện tượng đó.

Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi người có một sứ mệnh của mình. Có người có thể lập chiến công trong một giai đoạn nhất định, nhưng lợi dụng để vỗ ngực, kể công thì không nên. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Trong cuộc sống, nếu không giữ được phẩm chất, giữ được truyền thống thì người đó sẽ tự xóa bỏ danh dự của mình.

Làm tướng, khi còn đương chức hay đã về hưu, thì trước hết cũng là một người dân. Hãy làm tròn bổn phận của một người dân đi đã. Anh có quyền đóng góp, có quyền phát ngôn nhưng không được hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, bóp méo hình ảnh đồng chí, đồng đội của mình. Ở tầm của một vị tướng khi phát biểu thì phải đặt lợi ích của quân đội, của nhân dân lên trên, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Mình phải giữ được truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.

Là một người từng kinh qua trận mạc, tôi không bao giờ mong muốn thế hệ hôm nay phải ra trận. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ quan điểm và đường lối ngoại giao của Đảng, của quân đội. Và tôi thấy chúng ta đã làm rất tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế và đặc biệt là phải dựa vào căn cứ pháp lý, vào luật pháp quốc tế. Các nước dù có là nước lớn đến mấy cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, và hơn ai hết chúng ta hiểu cái giá của mất mát hy sinh khi đất nước có chiến tranh. Vậy tại sao phải hô hào đánh nhau, không đánh mà thắng mới là thượng sách. Tướng cầm quân là phải biết tránh những tổn thất không đáng có cho bộ đội, cho nhân dân.

Cũng không nên vì công thần mà xem thường cán bộ lãnh đạo thế hệ sau. Tướng giỏi về chính trị và có tố chất về quân sự, lại được đào tạo qua trường lớp bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn thì được giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự càng tốt chứ sao? Dù đất nước có khó khăn, tôi vẫn tin là các đồng chí sẽ vượt qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng là một thầy giáo dạy lịch sử đó chứ, nhưng đã chỉ huy quân đội xuất sắc. Quan trọng của người cầm quân là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Làm tướng nếu xây dựng được chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy nhân tài, xây dựng được mối đoàn kết, trên dưới đồng lòng, quân với dân một ý chí thì khó khăn mấy cũng vượt qua.

Quân đội có mạnh đến mấy mà nhân dân không tin yêu thì làm việc gì cũng khó, bài học của Liên Xô là một ví dụ. Vì vậy, tôi rất mừng là thế hệ hôm nay các đồng chí vẫn giữ gìn và phát huy được truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng vì dân mà phục vụ. Tôi luôn tin tưởng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM VĂN TRÀ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

-------------------

Phải xử lý nghiêm minh

Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng).

Bệnh công thần rất nguy hiểm, thường đi đôi với kèn cựa địa vị và bất mãn. Kẻ địch thường xuyên lợi dụng triệt để vấn đề này để lôi kéo khiến cán bộ quay lưng, “chuyển hóa” và “trở giáo” với lý tưởng mình đã từng đi theo.

Tiếc rằng lâu nay trong chống “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” chúng ta tập trung nhiều vào các vấn đề như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí mà ít nhắc đến bệnh công thần. Đáng buồn là công thần xuất hiện cả với những người là tướng lĩnh quân đội. Người cán bộ hư hỏng đó là nỗi đau rất lớn với chúng tôi khi nhắc đến. Trong chiến tranh, đồng đội, chiến sĩ của tôi hy sinh, chúng tôi rất đau đớn, nhưng chúng tôi vẫn được an ủi bởi đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do. Tổ quốc, nhân dân sẽ ghi công họ. Nhưng bây giờ có người “chuyển hóa” như thế là mất đi một người tướng, mất mát này là rất đau đớn.

Tôi cũng xin nhắc lại chuyện đồng chí cán bộ nghỉ hưu liên quan đến việc đứng chủ biên một cuốn sách viết xuyên tạc lịch sử, bóp méo lịch sử về biển, đảo, trở thành tài liệu để kẻ thù lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, gây dư luận xấu, phân tán lòng dân... Rồi những phát ngôn rất hàm hồ đối với các đồng chí cán bộ cao cấp của quân đội. Trước hết là không chính xác bởi đó đều là những đồng chí đã tham gia chiến đấu. Do bệnh công thần mà người ta rất tức tối với thế hệ sau, nhất là những người ấy trước đây là cấp dưới, là thế hệ sau nhưng phát triển lên cao hơn. Bởi bệnh công thần nên nghĩ mình là người có công lao to lớn, mình thông minh, dẫn đến chê bai, kèn cựa thế hệ sau mình. Họ không hiểu được rằng: Những phát ngôn hàm hồ ấy sẽ bị kẻ thù lợi dụng để chống phá quân đội, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của quân đội...

Nói vậy là vô ơn bạc nghĩa với quân đội. Quân đội đã rèn luyện, giáo dục, nâng đỡ để ông ta trưởng thành và chính quân đội tôn vinh ông ta để toàn dân, toàn quân biết ông ta là ai.

Tôi nghĩ hành động đó vi phạm nghiêm trọng về luật pháp, bóp méo lịch sử, xúc phạm đến danh dự cá nhân và tổ chức, đặc biệt là xúc phạm cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội; xúc phạm danh dự quân đội. Vì vậy phải xử lý nghiêm minh với trường hợp này.

Cũng vì công thần mà dẫn đến bị các phần tử xấu lôi kéo, lợi dụng và kích động ông nói những vấn đề chưa ai nói, viết những vấn đề chưa ai viết, để các thế lực thù địch tôn ông thành người cấp tiến, đổi mới. Cứ như vậy ông lún sâu vào hư hỏng, sai phạm; thậm chí kết giao với những phần tử cơ hội, phản động, chống phá chế độ, Nhà nước, Quân đội ta.

Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng)

--------------------

Các tổ chức, đoàn thể liên quan nêu cao trách nhiệm quản lý, xử lý

Đại tá HOÀNG THÁI HIỀN (nguyên cán bộ Bộ Tổng tham mưu, CCB Sư đoàn 304 và một số đồng đội là CCB Sư đoàn 304).

Để bệnh công thần gia tăng ở một số cán bộ cao cấp nghỉ hưu, theo tôi một phần có lý do đáng trách từ các cơ quan, đơn vị đã mời những nhân vật này làm cử tọa, dự một số hội nghị, hoạt động mà không xem xét kỹ lưỡng uy tín, nhân cách và khả năng của họ.

Họ nhận thức về chính trị và xã hội rất hời hợt khi nhắc đi nhắc lại một số vấn đề mà bọn phản động tung hô; lợi dụng các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xuyên tạc, chống phá.

Là những cựu chiến binh (CCB) từng công tác tại Sư đoàn 304, đơn vị đã trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, chúng tôi rất đau lòng khi có hiện tượng một người từng được đơn vị mình xây dựng, vinh danh, nay trở nên công thần, có nhiều lời nói, việc làm khiến chúng tôi phải xấu hổ.

Cách đây vài hôm, khi tôi bày tỏ chính kiến của mình về sự việc này trên mạng xã hội về sự việc trên, rất nhiều CCB, đồng đội đã vào chia sẻ, bày tỏ sự bức xúc, bất bình. Có nhiều góp ý chân thành với người làm sai rằng hãy tỉnh táo, khiêm tốn, phát ngôn cho chuẩn mực, cho xứng với sự hy sinh của gia đình và với đồng đội đã ngã xuống. Thế nhưng người đó vẫn không nhận thức được sai lầm, vẫn tỏ ra công thần, phách lối, xem thường đồng đội. Những người như thế, uy tín với đồng đội, đơn vị cũ còn rất thấp thì lấy tư cách gì lên mặt dạy đời chuyện quốc gia đại sự; tư cách gì mà đòi “cầm đầu các CCB” đi hỏi bộ nọ, ngành kia. Đúng ra, chỉ có những CCB chúng tôi mới thấy cần phải hỏi anh ta về nhiều việc làm không có lợi cho đất nước mấy năm qua.

Tôi cũng không hiểu sao một người như thế mà vẫn được tham gia làm chủ tịch hội nọ, hội kia, thậm chí vẫn là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Một người với nhân cách, lời nói, việc làm ảnh hưởng xấu đến Đảng, Nhà nước, quân đội, đến quan hệ ngoại giao như vậy thì sao có thể tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc hay chỉ gây thêm chia rẽ, thiệt hại cho cộng đồng, cho đất nước? Có lẽ đã đến lúc tổ chức đảng ở địa phương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải xem xét việc về việc phát ngôn không đúng đường lối, quan điểm của Đảng, giao du với những đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, vô hình trung tiếp tay cho những đối tượng này.

Đại tá HOÀNG THÁI HIỀN (nguyên cán bộ Bộ Tổng tham mưu, CCB Sư đoàn 304 và một số đồng đội là CCB Sư đoàn 304)

-------------------

Hãy tự soi, tự sửa để không đánh mất chính mình

Thiếu tá VŨ VĂN QUỲNH (Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9).

Thời gian gần đây, có một vài cán bộ lãnh đạo trước đã từng kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng khi nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối, quan điểm của Đảng. Có người tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu; thậm chí bịa đặt, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội... gây bức xúc trong dư luận.

Quả thực cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ chúng tôi hết sức buồn và thất vọng khi trong số những người mắc bệnh công thần , kiêu ngạo lại có cả sĩ quan nghỉ hưu cấp tướng, người từng được chúng tôi yêu mến, tôn vinh qua những bài báo, trang sách.

Ai cũng có thể mắc sai lầm và cũng có thể sửa chữa được. Mấy ngày qua, chúng tôi được đọc, theo dõi nhiều ý kiến phản hồi, có cả bức xúc, cả tâm tình, khuyên nhủ của nhiều tướng lĩnh, người dân trên mạng xã hội. Tôi hy vọng những đồng chí từng mắc sai lầm sẽ đọc được các ý kiến ấy, cũng là những lời tâm huyết của đồng chí, đồng đội, của nhân dân. Mong họ sẽ tự soi, tự sửa để khắc phục sai lầm và không đánh mất chính mình.

Thiếu tá VŨ VĂN QUỲNH (Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9)

-------------------

Không để họ tiếp tục coi thường dư luận

NGUYỄN MINH THÀNH (Bí thư Đoàn Thanh niên phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).

Tôi rất quan tâm đến thông tin nêu hiện tượng hành xử chưa chuẩn mực của một số cán bộ đã nghỉ hưu. Họ không đại diện cho ai nhưng lại lộng ngôn trước những vấn đề quốc gia đại sự, tán phát thông tin trên mạng xã hội, tạo nên những luồng thông tin không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, quân đội.

Thực tế ở địa bàn tôi, đội ngũ cán bộ nghỉ hưu, CCB chính là những người có uy tín cao, thường xuyên “đi trước, làm trước”, tạo sự tin tưởng, tín nhiệm với nhân dân. Họ cũng rất bất bình trước hiện tượng trên.

Tìm hiểu trên mạng xã hội, tôi được biết có sĩ quan cấp tướng nghỉ hưu có những lời nói, việc làm sai trái, đến nay vẫn chưa nhận thức được sai lầm, tiếp tục có biểu hiện công thần, coi thường góp ý của đồng chí đồng đội. Chính những người ở đơn vị năm xưa từng vinh danh họ, nay cũng thất vọng, phẫn nộ với cách hành xử công thần, ích kỷ, không còn xứng đáng với những danh hiệu cao quý. Chúng tôi theo dõi thấy không ít CCB đã lên tiếng đòi hỏi phải có biện pháp thích đáng, thậm chí phải thu hồi danh hiệu cao quý đối với những người “tự chuyển hóa”. Trong lịch sử, chúng ta đã có bài học về những vị tướng, những lãnh đạo cấp cao làm điều sai trái, bị xử lý nghiêm minh, tước mọi danh hiệu. Phải xử lý là cực chẳng đã, nhưng cũng không thể mãi để họ tùy tiện làm hại cộng đồng, đất nước và quân đội.

Cùng với đòi hỏi phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng thường xuyên, rất cần phải duy trì nghiêm kỷ luật của Đảng cả với cán bộ đã nghỉ hưu, không nên buông lỏng, nương nhẹ.

NGUYỄN MINH THÀNH (Bí thư Đoàn Thanh niên phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh)

-------------------

Họ có xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước?

MAI THỊ HIỀN (giáo viên Trường Tiểu học số 1, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình).

Chồng tôi là Thượng úy QNCN Phạm Hữu Huyên, là y sĩ công tác tại Bệnh xá 24 Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Đêm 7-8-2007, chồng tôi đã cùng đồng đội cứu được nhiều người dân trong lũ dữ và hy sinh. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày chồng tôi hy sinh, con trai lớn của tôi chưa tròn 3 tuổi, con gái thứ hai mới chào đời được 3 tháng, bố mẹ hai bên nội ngoại đều già yếu, neo đơn. Tuy rất đau xót nhưng tôi và gia đình luôn tự hào về anh, bởi anh đã hy sinh cuộc sống của mình vì nhân dân. Tôi và các con luôn xác định phải sống thật tốt để xứng đáng là vợ, là con của người anh hùng.

Vừa qua, có một cán bộ cao cấp của quân đội đã nghỉ hưu có lời nói và việc làm thể hiện bệnh công thần, kiêu ngạo, gây dư luận không tốt trong cộng đồng. Tôi nghĩ những người công thần, kiêu ngạo như vậy cần phải khiêm tốn, suy nghĩ lại để sửa chữa sai lầm của mình. Nếu cứ tiếp tục những lời nói, việc làm sai như vậy thì họ có xứng là đồng đội của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước không?

MAI THỊ HIỀN (giáo viên Trường Tiểu học số 1, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/kien-quyet-ngan-ngua-xu-ly-khong-de-benh-cong-than-kieu-ngao-cong-san-long-hanh-gay-hai-593314