Kiên quyết sơ tán, có phương án tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công điện về việc chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 4 Noru; trong đó, yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển trong vùng bị ảnh hưởng, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

Công điện gửi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch và Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và TP Đà Nẵng.

Để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch chỉ đạo việc tổ chức rà soát, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển trong vùng bị ảnh hưởng, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh trú an toàn; rà soát, kiểm đếm số lượng khách du lịch đang trong vùng ảnh hưởng của bão, kiên quyết sơ tán, có phương án tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Du lịch trong mùa bão lũ - Ảnh: VGP

Du lịch trong mùa bão lũ - Ảnh: VGP

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch và các đơn vị thuộc Bộ kiểm tra, rà soát và có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch do đơn vị quản lý, bao gồm: các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại các địa phương bị ảnh hưởng trong thời gian cơn bão đổ bộ.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trụ sở tại các địa phương bị ảnh hưởng theo dõi sát diễn biến của bão và các thông báo của chính quyền địa phương, Bộ, ngành liên quan để có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Lúc 9h ngày 27/9, vị trí tâm bão khoảng 15.3 độ Vĩ Bắc; 111.8 độ Kinh Đông.Sức gió mạnh nhất: cấp 14-15 (150-183 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 3h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20-25km/h.
Cấp độ rủi ro thiên tai:Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: cấp 4; Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: cấp 3.

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các đơn vị phối hợp với địa phương để triển khai các phương án đối phó với bão. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để khắc phục hậu quả và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó với bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của ngành (nếu có) và báo cáo tổng hợp chung bằng văn bản sau khi cơn bão, mưa lũ kết thúc.

Các đơn vị tập trung ứng phó với bão số 4 - Ảnh: VGP

Các đơn vị tập trung ứng phó với bão số 4 - Ảnh: VGP

Đề nghị các bệnh viện đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ y tế vùng bị ảnh hưởng bão Noru

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế, các BV, đặc biệt là BV, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, TPHCM (như BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TPHCM...) chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ y tế các địa phương bị ảnh hưởng của bão lũ (từ Quảng Ninh đến Bình Thuận).

Công tác hỗ trợ gồm nhân lực, cử từ 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...; chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ; sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.

Đối với các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ (các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận), Bộ Y tế đề nghị khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế.

Cụ thể: Di chuyển, sơ tán các đơn vị cấp cứu, hồi sức tích cực, người bệnh nặng cần thở máy, chạy thận...; vận chuyển di dời các máy móc, thiết bị y tế cấp cứu, hồi sức, hồ sơ bệnh án... đến khu vực cao, tránh bị ngập lụt; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; bảo đảm nguồn điện nước dự phòng, bảo đảm thông suốt về thông tin liên lạc với các đơn vị hỗ trợ và cơ quan quản lý trực tiếp.

Để ứng phó với bão Noru, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã kích hoạt các thành viên đội ứng phó thảm họa của Trung ương Hội và tại các tỉnh, phân công thành viên trực và cập nhật thông tin, sẵn sàng tham mưu; rà soát nguồn tiền và hàng dự trữ, phương tiện vận chuyển của Trung ương Hội và các tỉnh hội chuẩn bị sẵn sàng cho công tác ứng phó...

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/kien-quyet-so-tan-co-phuong-an-tranh-tru-dam-bao-an-toan-cho-khach-du-lich-166578.html