Kiên quyết với DN chây ì nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Tỉnh Yên Bái hiện có 123 mỏ của 95 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác các loại khoáng sản như đá vôi trắng, quặng sắt, quặng đồng, Felspat, Grafit, đất hiếm, thạch anh, chì - kẽm, vàng, cát sỏi, vật liệu xây dựng…

Có 40 mỏ do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp từ ngày 28/11/1997 đến 16/2/2016. Trong đó, có 33 giấy phép khai thác đá vôi trắng, quặng sắt 31 giấy phép…

Nghị định 203/2013/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Mặc dù vậy, cho đến nay, 71 DN khai thác khoáng sản ở Yên Bái vẫn chây ì không chịu nộp, buộc tỉnh Yên Bái phải kiên quyết ra tay xử lý…

Tỉnh Yên Bái hiện có 123 mỏ của 95 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác các loại khoáng sản như đá vôi trắng, quặng sắt, quặng đồng, Felspat, Grafit, đất hiếm, thạch anh, chì - kẽm, vàng, cát sỏi, vật liệu xây dựng… Có 40 mỏ do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp

từ ngày 28/11/1997 đến 16/2/2016. Trong đó, có 33 giấy phép khai thác đá vôi trắng, quặng sắt 31 giấy phép… Thời hạn giấy phép có hiệu lực có DN đến 16/2/2046. Khối lượng khoáng sản các DN được khai thác ít là 17.533 tấn, nhiều 56.079.234 tấn.

Hệ lụy của việc khai thác khoáng sản gây ra là hàng trăm km đường bị tàn phá, ô nhiễm nguồn nước sản xuất, nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân, rồi tiếng ồn của mìn phá đá, máy móc khiến cuộc sống người dân xung quanh khu vực mỏ bị ảnh hưởng và đảo lộn.

Ngày 30/9/2014, “quả bom bùn” 5.000m3 trong hồ chứa bùn thải của Cty CP đầu tư Khoáng sản Tây Bắc từ trên núi 200m nổ tung, đã nhấn chìm cánh đồng gần 2ha lúa sắp gặt của người dân thôn Lương Thiện, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên bị san phẳng chỉ trong vài phút.

Cánh đồng lúa thôn Lương Thiện bị bùn thải Cty Tây Bắc vùi lấp

Hậu quả của việc vỡ đập chứa bùn thải đến nay chưa được khắc phục xong, khiến người dân phải đi lại, kiến nghị qua nhiều cấp vô cùng mệt mỏi.

Không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, thiên nhiên cũng bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều quả núi đá vôi trắng, một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng đã bị san bằng sau nhiều năm khai thác.

Trong khi đó nhiều DN cho đến nay vẫn chây ì không chịu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nghĩa là họ đang bất chấp các quy định của pháp luật, mặc dù Nghị định 203/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2014.

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Yên Bái, 71 DN nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2014, 2015 tính đến ngày 11/5/2016 là 117,384 tỷ (lấy tròn số), trong đó có 13 DN do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép, số tiền nợ là 40,079 tỷ; 58 DN do tỉnh Yên Bái cấp giấy phép, số tiền nợ là 77,304 tỷ.

Nhiều DN cho đến nay vẫn chưa nộp đồng nào, ví như: Cty CP TM&SX Công nghiệp số tiền phải nộp là 4,108 tỷ, Cty CPThiết bị điện & KS Yên Bái, số tiền phải nộp là 791 triệu, Cty SX đá Granits-TNHH số tiền phải nộp là 3,041 tỷ, Cty CP Vinavico, số tiền phải nộp là 1,21 tỷ, Cty TNHH Khánh Minh, số tiền phải nộp 15,732 tỷ…

Trong số 123 DN, nhiều DN khai thác, chế biến quặng sắt lấy cớ không bán được sản phẩm đã làm văn bản xin trả lại mỏ, đồng nghĩa với việc không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đến nay mới chỉ có 5 mỏ chất lượng thấp, không tiêu thụ được sản phẩm, khó khăn trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh Yên Bái đồng ý cho DN trả lại giấy phép khai thác.

Máy nghiền quặng của Cty Tây Bắc

Điều trớ trêu, các DN khai thác đá vôi trắng lại viện cớ trữ lượng khoáng sản thăm dò khác xa với trữ lượng thực tế, nên đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường báo cáo Chính phủ tạm tính, tạm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Ngày 8/1/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản 34/TTg-KTN đồng ý việc tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong năm 2014 đối với giấy phép khai thác khoáng sản không đúng với thực tế.

Luận giải vấn đề này dư luận không khỏi băn khoăn: Khi DN xin cấp quyền khai thác khoáng sản, để có giấy phép thì DN đều thuê các đơn vị tư vấn tiến hành thăm dò trữ lượng, hàm lượng, sau đó mới lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi Nghị định 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực thì các DN đó lại kêu là trữ lượng không đúng với thực tế. Rõ ràng có sự không minh bạch ngay từ khi DN tiến hành các bước trong quá trình cấp phép.

Theo một cán bộ Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái, Bộ Tài Nguyên & Môi trường đã tính tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2014, 2015. Một số DN đã nộp được một nửa, hoặc một phần ba, có DN chưa nộp đồng nào.

Quặng sắt khai thác tập kết

Còn năm 2016 Bộ Tài Nguyên & Môi trường đến nay vẫn chưa xác định tỷ số chênh lệch giá tính tiền cấp quyền theo Bảng giá tính thuế của Yên Bái mới được ban hành, nên Cục Thuế chưa có căn cứ để ra Thông báo nộp tiền cho năm 2016…

Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục Thuế tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2016 Bộ Tài Chính giao cho dự toán thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 80 tỷ, nhưng đến nay mới thu được 6,6 tỷ. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh năm 2016 đối với các mỏ tỉnh cấp là 16,9 tỷ, nhưng dự kiến khó thu gần 11 tỷ.

Trong đó nhóm quặng sắt là 7,7 tỷ, mỏ chì kẽm của Cty TNHH Khánh Minh là 3,1 tỷ. Ngoài ra, số tiền nợ những năm trước 117,384 tỷ là rất khó thu nếu không áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định Luật Khoáng sản, Luật Quản lý thuế…

Các DN khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi xin giấy phép khai thác thì làm đủ mọi cách để xin bằng được, nay tình hình thị trường khó khăn thì họ chây ì, bài bây không nộp hoặc xin hoãn nộp.

Núi Chuông một địa danh tuyệt đẹp ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên sắp bị xóa sổ

Thực tế, nhiều DN đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn cần phải chia sẻ, nhưng không ít DN đang hoạt động làm ăn có lãi nhưng vẫn không chịu nộp, trong đó phải kể đến Cty TNHH Đại Đồng Tiến khai thác đá vật liệu xây dựng, hiện còn nợ 924 triệu, Cty TNHH xây dựng & TM Đức Toàn còn nợ 462 triệu…

Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở tỉnh Yên Bái hiện vô cùng khó khăn, đến nay đã gần nửa năm mới thu được 6,6 tỷ, con số 80 tỷ mà Bộ Tài Chính giao sẽ khó mà hoàn thành, đòi hỏi tỉnh Yên Bái phải bằng mọi biện pháp để thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Khánh - GĐ Sở Tài nguyên & Môi trường Yên Bái: Việc các DN nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đang là vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Đối với DN đang hoạt động bình thường thì chúng tôi phối hợp với các ngành có liên quan yêu cầu DN cam kết nộp tiền từng quý hoặc từng tháng. Nhưng dứt khoát phải nộp đủ theo quy định.

Đối với DN mới triển khai xây dựng cơ bản để đưa vào hoạt động, trong trường hợp mỏ quá lớn vượt quá khả năng thì DN có thể trả lại toàn bộ giấy phép, hoặc một phần giấy phép. Đối với DN do Bộ Tài nguyên cấp phép chúng tôi đề nghị Bộ đôn đốc các DN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng…

Thái Sinh

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/kien-quyet-voi-dn-chay-i-nop-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-post164593.html