Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp sai phạm trong khai thác, chế biến khoáng sản

Không tuân thủ các quy định bắt buộc trong quá trình sản xuất - kinh doanh; đặc biệt, nổ mìn gây rung chấn, khói bụi, làm hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn của người dân; xả thải trực tiếp ra môi trường; xe tải chở hàng hóa quá tải trọng làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông; một số mỏ đá hoạt động quá giờ quy định, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tình hình ANTT… Đó là những hệ lụy xảy ra trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển từ nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề trên đang được chính quyền tỉnh mạnh tay xử lý nhằm giữ vững kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định 25/44 mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn vi phạm về môi trường, khoảng cách an toàn và nợ thuế. (Ảnh chụp tại mỏ đá trên địa bàn xã Thanh Cao).

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định 25/44 mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn vi phạm về môi trường, khoảng cách an toàn và nợ thuế. (Ảnh chụp tại mỏ đá trên địa bàn xã Thanh Cao).

Cụ thể, ngày 30/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty CP xây dựng thương mại Phát Đạt HB (khu Mường Cộng, thị trấn Mãn Đức - Tân Lạc) với số tiền 365 triệu đồng về các hành vi: báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khai thác khoáng sản chưa đầy đủ thông tin theo quy định; không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, cơ quan QLNN về khoáng sản để bàn giao theo quy định; khai thác vượt 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác, gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; khai thác khoáng sản mà không có thiết kế mỏ theo quy định. Đồng thời, buộc doanh nghiệp này phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng.

Cũng trong ngày 30/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần 19-8 (thôn Sỏi, xã Phú Thành - Lạc Thủy) với số tiền 300 triệu đồng, về các hành vi: không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; khai thác vượt 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác, gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; khai thác khoáng sản mà không có thiết kế mỏ theo quy định. Ngoài xử phạt hành chính, buộc doanh nghiệp này phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng.

Đặc biệt, UBND tỉnh vừa có Công văn gửi các sở, ngành chức năng, UBND 2 huyện Lương Sơn, Kim Bôi và 2 doanh nghiệp thông báo về việc tạm dừng khai thác khoáng sản của Công ty TNHH thương mại Nam Phương tại mỏ đá Lộc Môn, xã Liên Sơn (Lương Sơn) và Công ty TNHH MTV Phát Đạt, tại mỏ đá xóm Lục Đồi, thị trấn Bo (Kim Bôi). Hai mỏ đá này bị tạm dừng hoạt động để phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng mức độ ảnh hưởng của bụi trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh khu vực mỏ đá. Thỏa thuận với các hộ bị ảnh hưởng về phương án bồi thường, hỗ trợ các thiệt hại do việc khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đá gây ra.Nghiên cứu lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh để đảm bảo việc khai thác khoáng sản tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế. Tiến hành rà soát hiện trạng các công trình bảo vệ môi trường; lập phương án khắc phục ảnh hưởng về môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản. Kịp thời đầu tư, nâng cấp, bổ sung và duy trì vận hành có hiệu quả các công trình, biện pháp giảm thiểu bụi, khí thải trong quá trình khai thác, chế biến đá nhằm xử lý triệt để chất thải phát sinh, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực theo quy định để thực hiện quan trắc môi trường dưới sự chứng kiến của đại diện sở, ngành chức năng, địa phương và các hộ dân có liên quan. Trang bị camera tại khu vực sử dụng vật liệu nổ và lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến toàn bộ quá trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác đá…

Huyện Lương Sơn hiện có 44 mỏ đá đang hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định có 35/44 mỏ vi phạm về thiết kế; 25/44 mỏ vi phạm về môi trường, khoảng cách an toàn, nợ thuế...

Trong khuôn khổ chương trình làm việc với huyện Lương Sơn về hoạt động khai thác khoáng sản cuối tháng 3/2023, sau khi kiểm tra thực tế tại các mỏ và xem xét các căn cứ pháp lý liên quan cũng như các quy định hiện hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm thể hiện rõ quan điểm: Phải đình chỉ hoạt động tất cả các mỏ đá đang có vi phạm về thiết kế, môi trường đến khi khắc phục xong sai phạm mới được hoạt động trở lại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Không cấp phép mới, rà soát thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp phép nhưng không triển khai, không thực hiện nghĩa vụ về đất đai, môi trường, tài chính…

Đức Phượng (CTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/177075/kien-quyet-xu-ly-cac-doanh-nghiep-sai-pham-tr111ng-khai-thac,-che-bien-khoang-san.htm