Kiên quyết xử lý các dự án treo

Các dự án treo không những làm lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn gây khó khăn cho đời sống của dân vùng quy hoạch. Theo GS. Đặng Hùng Võ, cần có chế tài mạnh, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp thì mới có thể giải quyết được tồn tại này.

Dự án Thịnh Liệt (Hoàng Mai) để hoang đã 14 năm chưa triển khai. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Mới đây, theo kết quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, còn 8 quận, huyện có 383 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục.

Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh: 50, Nam Từ Liêm: 48, Hoàng Mai: 25, Bắc Từ Liêm: 23…

Hệ lụy người dân gánh

Dự án treo không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch. Tại Hà Nội, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai) là ví dụ điển hình cho dự án treo khiến hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây sống trong cảnh tạm bợ.

Bà Thúy Ngà, một người dân sống trong khu vực quy hoạch, cho biết cách đây 14 năm, từ khi có quyết định thu hồi đất, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi dự án luôn sống trong tình trạng tạm bợ, thấp thỏm đợi chờ, mà chờ mãi vẫn chưa thấy dự án đâu.

Đã 14 năm trôi qua, dự án nằm đắp chiếu khiến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà đã hư hỏng, dột nát, thậm chí có thể sập bất cứ lúc nào nhưng người dân không được sửa chữa, xây dựng lại do nằm trong diện quy hoạch.

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 4930 năm 2004, thu hồi 351.618m2 đất giao cho Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi – Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm hộ dân sống trong quy hoạch. Đại diện các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại tới chính quyền cấp quận, thành phố, Trung ương nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Đáng nói, thực trạng dự án treo như tại khu đô thị Thịnh Liệt không phải hiếm tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay. Hiện, các bộ ngành chưa công bố một con số mang tính tổng thể nào về số lượng những dự án treo trên cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có tới hàng nghìn dự án treo.

Tại Hà Nội có 383 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục. Còn tại TP. Hồ Chí Minh hiện có 1.300 dự án treo, hiện mới "xóa sổ" 575 dự án.

Phạt 25% dự án chậm triển khai

Theo nhiều chuyên gia, việc dự án chậm triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, việc giao đất theo cơ chế "xin – cho" và đấu thầu qua chỉ định thầu…

Một nguyên nhân nữa là sau khi phê duyệt dự án, các cơ quan quản lý cũng không thường xuyên làm công tác kiểm tra tiến độ triển khai dự án của các chủ đầu tư để sớm có giải pháp xử lý kịp thời. "Giao đất xong rồi để đấy, khiến nhiều dự án chậm triển khai đến hàng chục năm, treo như thế mà vẫn không bị xử lý", một chuyên gia nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng để giải quyết dứt điểm các dự án treo tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn.

Theo Luật Đất đai, quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất như hiện tại là không phù hợp.

Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu. Chủ đầu tư có thể vi phạm khi chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản của chủ đầu tư được hình thành trên đất đó là hợp pháp. "Nếu thu hồi cả tài sản trên đất là trái với quy định pháp luật, không đúng với Hiến pháp", ông Võ nói.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án.

"Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn, trong khi nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai", ông Võ nêu đề xuất.

Giải pháp này, theo GS. Đặng Hùng Võ, sẽ giúp hạn chế tối đa các nhà đầu cơ đất, "ôm đất" đợi thời. Đã đến lúc, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực.

Cơ quan quản lý hoạch định các khu vực ưu tiên phát triển như từ vành đai 4 trở vào. Chỉ cho làm dự án trong phạm vi này và có chế tài bắt buộc chủ đầu tư hoàn chỉnh dự án để đưa vào sử dụng.

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/kien-quyet-xu-ly-cac-du-an-treo-152021.html