Kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm PCCC

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH).

Sáng ngày 9-10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH). Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ tháng 4-2016 đến tháng 4-2019 thành phố đã xảy ra 2.637 vụ cháy và 6 vụ nổ khiến 61 người chết, 60 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên tới 758 tỷ đồng.

Thực hiện các kế hoạch về PCCC của UBND TP Hà Nội, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã cụ thể hóa thành các nội dung thiết thực, phù hợp với địa bàn cơ sở. Từ đó hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được nâng cao, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, người đứng đầu cơ sở.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đạt Lê

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đạt Lê

Trong những năm qua, công tác phòng ngừa cháy, nổ luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Nhằm giảm thiệt hại người về tài sản do cháy gây ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, banh ngành triển khai hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa.

Xác định rõ tầm quan trọng công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng; UBND TP Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức kiểm tra PCCC trong phạm vi quản lý của mình.

Đồng thời, chỉ đạo Công an TP phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra theo định kỳ, đột xuất, đặc biệt là kiểm tra theo các chuyên đề như: chung cư, nhà cao tầng, các hoạt động văn hóa, karaoke, vũ trường... tập trung đông người; chợ, trung tâm thương mại; cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa chất, khu công nghiệp, chế xuất; kho, xưởng sản xuất; cơ sở kinh doanh, dịch vụ...

Kết quả đã kiểm tra, phúc tra 177.682 lượt đơn vị, cơ sở về công tác PCCC, lập 177.682 biên bản kiểm tra, phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục 414.110 tồn tại, thiếu sót về PCCC; ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 10.545 tổ chức, cá nhân vi phạm, với số tiền gần 32 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động đối với 243 cơ sở; đình chỉ hoạt động 835 cơ sở…

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện các Kế hoạch về công tác PCCC&CNCH của UBND TP Hà Nội; các ý kiến phát biểu, tham luận của đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập, như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, việc xây dựng lực lượng PCCC và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế, cả về hình thức hoạt động; cùng với đó là công tác tuyên truyền tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, chưa tiếp cận đến các tầng lớp nhân dân...

Thời gian tới, để công tác phòng ngừa cháy, nổ đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC tại đơn vị, địa phương mình; phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc là yếu tố quyết định trong tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCCC.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về PCCC, bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, giúp cho người dân hiểu được vai trò công tác đảm bảo PCCC. Lực lượng công an PCCC cần phối hợp với chính quyền diễn tập cần thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả sát với những tình huống ngoài đời…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy và CNCH; đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn của mình. Với các quận huyện cần tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo đến thôn xã về PCCC, nhắc nhở bà con về thời điểm cháy nổ mùa hanh khô. 584 xã, phường cần tăng cường quản lý ở tổ dân phố, khu dân cư, xây dựng các mô hình điển hình về PCCC.

Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC cần kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đối với các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm, phải kịp thời khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kien-quyet-xu-ly-nghiem-nhung-co-so-vi-pham-pccc-165630.html