Kiên quyết xử lý người lang thang xin ăn biến tướng, người bán hàng rong chèo kéo khách

Thời gian qua, tình trạng người lang thang xin ăn biến tướng; bán hàng rong chèo kéo khách có chiều hướng gia tăng trên địa bàn Đà Nẵng. Trước thực trạng này, chính quyền TP đã có những giải pháp gì để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nêu trên? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn ông Thái Đình Hoàng- Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Đà Nẵng.

Ông Thái Đình Hoàng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng

Ông Thái Đình Hoàng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng

P.V: Thưa ông, hiện trạng người lang thang xin ăn biến tướng; bán hàng rong chèo kéo khách tại Đà Nẵng đang diễn biến như thế nào?

Ông Thái Đình Hoàng: Trong thời điểm hiện tại, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, tình trạng người lang thang xin ăn biến tướng; bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách; lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi tổ chức bán hàng rong, xin ăn… có chiều hướng gia tăng tại nhiều khu vực, quán ăn và các chợ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất ANTT trên địa bàn TP. Về hình thức tổ chức ăn xin, các đối tượng thường lập ra 1 nhóm ít nhất 5 người có đội ngũ cảnh giới đứng đợi sẵn, khi bị phát hiện thì nhanh chóng qua mặt lực lượng chức năng, trốn thoát. Từ đầu năm đến nay, thông qua đường dây nóng, chúng tôi đã nhận được 200 cuộc điện thoại liên quan đến việc có người lang thang ăn xin trên địa bàn Đà Nẵng. Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chuyên trách đã trực tiếp xử lý 58 đối tượng, trong đó đưa 22 đối tượng vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng, số còn lại đưa vào Bệnh viện Tâm thần TP.

P.V: Nếu như trước đây ở Đà Nẵng về cơ bản đã xử lý dứt điểm hiện trạng người lang thang xin ăn biến tướng; người bán hàng rong chèo kéo khách, vậy vì sao trong thời điểm hiện tại những trường hợp này lại tiếp tục tái diễn?

Ông Thái Đình Hoàng: Có thể nói, tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách đều liên quan đến mưu sinh của người dân, không thể nói là xử lý dứt điểm được. Hiện nay, đa số những trường hợp nêu trên là người ngoại tỉnh (chiếm đến 80%) với phương thức hoạt động rất tinh vi. Không như trước đây, các đối tượng hoạt động có tổ chức như mang theo trẻ em, người khuyết tật để bán hàng rong và chủ yếu là xin ăn biến tướng. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, người dân từ các tỉnh tiếp tục quay lại Đà Nẵng để mưu sinh nên hiện trạng này tiếp tục tái diễn trở lại.

P.V: Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi này?

Ông Thái Đình Hoàng: Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND TP tổ chức cuộc họp với các ngành có liên quan bàn giải pháp xử lý và ban hành Kế hoạch số 3973/KH-UBND ngày 18-6-2020 về triển khai đợt cao điểm “Xử lý tình trạng người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách và quảng cáo rao vặt sai quy định” diễn ra từ ngày 25-6 đến ngày 15-7.

Theo kế hoạch, trước tiên chúng tôi sẽ tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức không cho tiền, hiện vật tiếp tay cho người xin ăn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có những biện pháp vận động các cơ sở kinh doanh, người dân khi phát hiện người có hành vi xin ăn phải nhanh chóng thông tin đến lực lượng chức năng xử lý kịp thời. Sau thời gian tuyên truyền, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của các quận, huyện tổ chức kiểm tra vào các giờ cao điểm, ngày nghỉ, đặc biệt các tuyến đường, khu vực trọng điểm và sẽ có những biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp nhiều lần tái phạm.

P.V: Việc ra quân tuyên truyền, xử lý những trường hợp trên chỉ là giải pháp trước mắt, vậy về lâu dài, Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan đã có kế hoạch gì để giải quyết dứt điểm hiện trạng này, thưa ông?

Ông Thái Đình Hoàng: Có thể khẳng định việc xử lý dứt điểm không phải “một sớm, một chiều” nên về lâu dài đòi hỏi phải có những biện pháp căn cơ hơn. Để đạt được kết quả đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên của lực lượng chức năng và người dân. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các quận, huyện thường xuyên bố trí lực lượng CA, quy tắc đô thị,... kiểm tra các khu vực trọng điểm, quán ăn vào thời gian cao điểm, đặc biệt vào những ngày nghỉ. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu đối với các đối tượng từ các địa phương khác đến. Ngoài ra, Sở sẽ có văn bản đề nghị CATP xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng trẻ em để xin ăn nhằm răn đe cho đối tượng khác. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động xây dựng phần mềm theo dõi các đối tượng có hành vi xin ăn biến tướng xuất hiện tại các khu vực trọng điểm nhằm cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng và Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn 550 để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn 550 Đà Nẵng xử lý 2 đối tượng giả nhà sư đi xin ăn.

P.V: Những trường hợp người lang thang xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Thái Đình Hoàng: Theo quy định, các hành vi nêu trên là hành vi vi phạm và chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hành chính. Đối với các trường hợp bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Trường hợp có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc, lôi kéo người khác đi xin ăn hoặc lợi dụng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật để làm việc khác với xin ăn… thì phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh và tùy theo mức độ vi phạm sẽ phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Đối với đối tượng lang thang xin ăn; người dẫn dắt trẻ em hoặc mang theo trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật để bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách thì đưa vào chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập do nhà nước quản lý.

P.V: Xin cảm ơn ông.

Ngọc Quốc
(thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_227058_kien-quyet-xu-ly-nguoi-lang-thang-xin-an-bien-tuon.aspx