Kiến tạo giao thông xanh theo hướng bền vững

Xây dựng giao thông xanh (GTX), phương tiện thân thiện với môi trường là giải pháp cứu môi trường sống hướng tới giá trị phát triển bền vững trong tương lai.

Xe buýt điện góp phần hình thành một hệ sinh thái của GTX. Ảnh: Đào Tuyết

Xe buýt điện góp phần hình thành một hệ sinh thái của GTX. Ảnh: Đào Tuyết

Đẩy mạnh phát triển GTX

Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí ở đô thị lớn như Hà Nội đang diễn biến phức tạp do lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, gây ra tình trạng quá tải, đe dọa môi trường, thì GTX lại vẫn còn khá mới mẻ. Việc quá tải về giao thông tại Hà Nội luôn đi kèm với chất lượng không khí, từ đó có thể thấy việc phát triển GTX là vấn đề rất cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.

Theo các chuyên gia, GTX là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. GTX sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia GTX. Ở đô thị, ô nhiễm do các hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70%.

Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng (HKCC). Việc sử dụng phương tiện xanh trong vận tải HKCC không chỉ góp phần tích cực bảo vệ môi trường, mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông, chuyển từ xe cá nhân sang tàu điện, xe buýt.

Chưa kể xe buýt điện, ta-xi và xe đạp điện công cộng khi kết nối với đường sắt đô thị sẽ phát huy hiệu quả hơn, thuận tiện và hiện đại hơn rất nhiều. Các phương tiện tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu sạch không chỉ bổ trợ cho nhau về tính kết nối, vận chuyển mà còn đang cùng góp phần hình thành một hệ sinh thái của GTX.

Có thể kể đến như việc phát triển hệ thống vận tải HKCC đã thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt; thực hiện rà soát các phương tiện xe cá nhân phát thải cao; đưa xe buýt điện vào vận hành. Gần đây nhất, mô hình xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động không chỉ giúp người dân và du khách đã có phương tiện di chuyển để ngắm phố phường tại Thủ đô, mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường cho Thủ đô.

“Chìa khóa” tương lai

Hà Nội đang thực hiện từng bước cụ thể hóa mục tiêu “xanh hóa” phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, để giảm thiểu ùn tắc giao thông cục bộ, ngoài đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng thì không có cách nào khác ngoài phát triển hệ thống vận tải HKCC.

Ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc (GĐ) Trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, đô thị trung tâm Hà Nội có đặc thù là dạng lưới, đường cấp đô thị gồm các tuyến đường hướng tâm và vành đai. Bởi vậy, để giao thông Thủ đô lưu thoát thì cần tổ chức đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm, tránh dồn dòng giao thông lưu lượng lớn về một phía và phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo hướng hành lang có lưu lượng giao thông lớn.

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng để “gỡ khó” cho giao thông Hà Nội, bên cạnh việc xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy thì cần có các cơ chế để phát triển giao thông đi trước, sau đó là kịp thời ban hành các văn bản dưới Luật.

Riêng với Thủ đô Hà Nội đang sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065, lập quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 là thời điểm thích hợp để tập trung nguồn lực, trí tuệ, xác định các định hướng, cơ chế tạo đột phá cho giao thông.

Ngoài ra, Hà Nội cần đẩy mạnh nghiên cứu, thể chế hóa các mô hình phát triển giao thông như khai thác không gian ngầm, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Ưu tiên, tạo nguồn lực để phát triển các mô hình giao thông hiện đại từ ngân sách, từ xã hội hóa…

Trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông, ông Đỗ Việt Hải - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội, cho rằng, cần rà soát đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị. Sở GTVT Hà Nội cũng xác định, muốn giải quyết bài toán phát triển giao thông đô thị cần căn cứ trên sự phát triển kinh tế - xã hội; Đặc biệt quan tâm phát triển vận tải HKCC, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ về công nghệ.

Ngoài những tiêu chí trong phát triển giao thông đô thị, theo nhiều chuyên gia, để xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, nơi đáng sống với mạng lưới GTX, nguồn lực đầu tiên cần đến là chính sách. Trong đó, các vấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải HKCC; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

Với việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông hội tụ các điều kiện để tiêu hao ít năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị xanh.

Trên góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, hiện mạng lưới giao thông tại Hà Nội chưa phát triển tương ứng với phát triển đô thị. Với gia tăng dân số, với vai trò Thủ đô, động lực phát triển vùng… thì hiện tỉ lệ đất dành cho giao thông, đặc biệt là với hệ thống đường bộ và giao thông tĩnh còn thấp.

Cùng đó, vận tải HKCC chưa thu hút người dân và đòi hỏi phải có nhiều mô hình đa dạng, liên kết đồng bộ và cơ chế chính sách thuận lợi hơn mới có thể tăng số lượng hành khách sử dụng, từ đó kéo giảm việc người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kien-tao-giao-thong-xanh-theo-huong-ben-vung-352884.html