Kiến tạo hòa bình ở châu Phi

Châu Phi lại báo động về tình trạng an ninh. Vừa qua một loạt các vụ tiến công ở nhiều khu vực tại lục địa này đã khiến hàng trăm người chết và bị thương. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ châu Phi đối phó các phần tử khủng bố, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

Quân đội Pháp tuần tra tại một ngôi làng ở miền bắc Burkina Faso. Ảnh Getty Images

Quân đội Pháp tuần tra tại một ngôi làng ở miền bắc Burkina Faso. Ảnh Getty Images

Châu Phi lại báo động về tình trạng an ninh. Vừa qua một loạt các vụ tiến công ở nhiều khu vực tại lục địa này đã khiến hàng trăm người chết và bị thương. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ châu Phi đối phó các phần tử khủng bố, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực tiếp giáp giữa Niger và Nigeria thường xuyên hứng chịu các vụ tiến công của lực lượng thánh chiến Boko Haram. Mới đây, tám binh sĩ thiệt mạng, khi các tay súng Boko Haram tiến công nhằm vào một căn cứ quân đội Niger tại khu vực Ðíp-pha, đông nam nước này. Xe vũ trang của Boko Haram tìm cách vượt biên giới sang Nigeria đã bị lực lượng quân sự đa quốc gia gồm Niger, Nigeria, Sát và Cameroon ngăn chặn. Theo số liệu do LHQ công bố hồi tháng 10 năm ngoái, khu vực Ðíp-pha nằm ở vùng hồ Sát là nơi lánh nạn của khoảng 120 nghìn người di cư Nigeria và 110 nghìn người Niger rời bỏ đất nước vì lo sợ khủng bố.

Tại quốc gia láng giềng với Niger là Burkina Faso, tình hình cũng đầy bất ổn. Một trong những vụ tiến công đẫm máu nhất tại quốc gia Tây Phi này mới đây khiến 43 người chết, khi các tay súng chưa rõ nguồn gốc tiến công các làng của người du mục Fulani ở miền bắc, gần biên giới với Mali. Hai vụ tiến công tương tự cũng xảy ra tại Burkina Faso hồi tháng 1, khiến gần 100 người chết. Hơn 500 nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và phần lớn khu vực phía bắc Burkina Faso rơi vào tình trạng "không thể kiểm soát". Trong khi đó, một loạt vụ bạo lực sắc tộc ở miền trung Mali cũng khiến hàng chục người chết, gồm nhiều binh sĩ. Còn tại Nigeria, các nhóm cướp có vũ trang cũng hoành hành.

Bạo lực và khủng bố còn leo thang tại những nơi không phải "khu vực truyền thống" ở châu Phi. Trước diễn biến phức tạp tại Mozambique, quốc gia ở miền nam "lục địa đen", các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) hằng năm tại Ethiopia tháng 2 vừa qua đã đề cập về "mối đe dọa hoàn toàn mới", lên "mức độ chưa từng thấy" ở Mozambique. AU khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Mô-dăm-bích, thông qua chia sẻ thông tin, cung cấp thiết bị và huấn luyện binh sĩ. Trước đó, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo, các cuộc tiến công khủng bố tại Mozambique trở nên thường xuyên và lan rộng hơn. Ít nhất 100 nghìn người đã phải sơ tán và khoảng 400 người chết kể từ tháng 10-2017. Quan ngại càng gia tăng khi có những nhận định rằng, các cuộc tiến công khủng bố tại Mô-dăm-bích liên quan tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cùng những nỗ lực từ các nước châu Phi nhằm ngưng tiếng súng, cộng đồng quốc tế cũng có nhiều giải pháp, giúp châu Phi củng cố hòa bình và phát triển. Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành phiên họp mở với chủ đề "Hòa bình và an ninh của châu Phi: Cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan", thông qua tuyên bố chung, nhấn mạnh các biện pháp tổng thể nhằm giúp châu Phi chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Tuyên bố nêu rõ, cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ các nước châu Phi tăng cường khả năng xây dựng năng lực, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, kiểm soát vấn đề biên giới, phòng ngừa và đối phó các phần tử khủng bố nước ngoài cũng như hoạt động tài trợ khủng bố. LHQ cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình tạo việc làm, cải thiện hệ thống giáo dục, y tế, nhằm xóa bỏ tận gốc chủ nghĩa khủng bố, hướng tới mục tiêu kiến tạo hòa bình và an ninh bền vững tại châu Phi.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và kiến tạo hòa bình R.Ði-các-lô kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn cho các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Các nước châu Phi tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi, như nghèo đói, quản trị yếu kém, căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc, tạo việc làm cho thanh niên và thúc đẩy bình đẳng giới.

TRẦN THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43851302-kien-tao-hoa-binh-o-chau-phi.html