Kiến tạo, xung kích biến nguy thành cơ Bài cuối: Vượt thách thức, vững tin hội nhập

Với quyết tâm 'Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế' theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Tây Đô đã và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, nhập cuộc tái sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường, đón cơ hội đầu tư mới với tâm thế: Chống trì trệ như chống dịch!

Kiến tạo, xung kích biến "nguy" thành "cơ"
Bài cuối: Vượt thách thức, vững tin hội nhập" data-socail-link="https://baocantho.com.vn/kien-tao-xung-kich-bien-nguy-thanh-co-bai-cuoi-vuot-thach-thuc-vung-tin-hoi-nhap-a123837.html" alt="" src="https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2020/20200729/images/8-1.jpg">

Tin tưởng thị trường sẽ sớm khởi sắc, Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ đang lên kế hoạch phát triển thành một công ty sản xuất giày thành phẩm thay vì chỉ sản xuất mũ giày như hiện nay. Ảnh: MỸ THANH

►Tạo sức bật tăng trưởng

Dù đã được kiểm soát tốt, song những tác động của COVID-19 sẽ còn dai dẳng. Thiết lập trạng thái bình thường mới, DN tại TP Cần Thơ đang từng bước đưa sản xuất kinh doanh về guồng quay vốn có. Sau khoảng thời gian trầm lắng, đầu tháng 6-2020, không khí tại Cảng Cái Cui được "hâm nóng" trở lại với Lễ Khai trương "Ðưa cần cẩu chân đế 40 tấn tại Cảng Cái Cui vào khai thác". Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, nhấn mạnh: "Các vị ngồi đây đều vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 mang lại. Tuy nhiên, hôm nay, chúng ta vẫn quy tụ về đây để chào đón sự kiện này, cho thấy sự gắn bó bền chặt giữa các bên để cùng bước vào giai đoạn phát triển mới. Việc đưa cần cẩu chân đế 40 tấn vào khai thác nhằm tăng năng suất xếp dỡ, giảm thời gian giải phóng tàu và giảm thiểu chi phí logistics của các chủ hàng, chủ tàu, đơn vị trung gian (forwarder) và các đơn vị có liên quan trong vùng phục vụ của Cảng Cần Thơ. Cảng Cần Thơ đã, đang và tiếp tục là mắt xích quan trọng để liên kết các chuỗi logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa của DN vùng ÐBSCL".

Hướng về thị trường nội địa là cứu cánh cho DN ở thời điểm hậu COVD-19. Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc Công ty CP May Tây Ðô, chia sẻ: "Dự kiến đến khoảng tháng 10, xuất khẩu sẽ khởi sắc trở lại nên công ty đang đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Bởi, dù chỉ chiếm sản lượng tiêu thụ 5% nhưng thị trường nội địa đóng góp đến 15% doanh thu của May Tây Ðô. Công ty đang tham gia tích cực vào các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Tháng Khuyến mại 2020 do Sở Công Thương thành phố chủ trì tổ chức cũng như kết nối Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ngày 16-5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn Cần Thơ và khu vực ÐBSCL làm địa điểm phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc, khởi đầu cho việc khôi phục hoạt động của các DN du lịch cả nước sau đại dịch COVID-19. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, nói: Ðiều kiện tiên quyết hiện nay là du lịch an toàn. Do đó, Cần Thơ đẩy mạnh truyền thông du lịch an toàn gắn với khai thác những ưu thế của vùng ÐBSCL. Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đã ký kết với Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh để cung cấp khách hàng cho ÐBSCL nói chung trong đó có TP Cần Thơ và quy tụ các DN lớn, khách sạn lớn, làng du lịch cùng tham gia. Nhiều DN thậm chí chủ động giảm giá, chấp nhận hòa vốn để cân đối giữa việc vừa giữ khách hàng, vừa duy trì bộ máy hoạt động.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy: "Trên mặt trận kinh tế, mỗi doanh nhân, DN là một chiến sĩ. Do đó, mỗi DN dù với quy mô ra sao, mức độ chiếm lĩnh thị trường như thế nào vẫn phải sẵn sàng tâm thế để ứng phó, thích nghi trước những biến động hay những tình huống bất khả kháng như dịch COVID-19 vừa qua. Từ phép thử COVID-19, thành phố đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân, DN Tây Đô với tinh thần tiên phong, xung kích sẽ vững tay lèo lái con thuyền DN vượt qua khó khăn và vững tin hội nhập".

Sau dịch COVID-19, một điều đáng ghi nhận là khu vực I (nông nghiệp) với thế mạnh về chế biến nông sản từ nguồn tài nguyên bản địa vẫn tăng trưởng dương, phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Do đó, các DN của thành phố cần tận dụng khai thác năng lực nội tại, rà soát các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại lợi thế cho xuất khẩu. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Ngày 8-6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và mở ra cơ hội khai thác thị trường mới với quy mô 18.000 tỉ USD. Tiếp cận thị trường mới đồng nghĩa DN phải rà soát nội lực, đổi mới công nghệ để gia nhập thị trường. Ðồng thời, tranh thủ nắm bắt thông tin, quảng bá, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa đến các quốc gia mà DN TP Cần Thơ có lợi thế, các quốc gia nới lỏng chính sách nhập khẩu sau dịch.

►Đón thời cơ mới

Cần Thơ không chỉ là "Ðiểm đến an toàn" trên lĩnh vực du lịch mà còn hướng đến là điểm đến an toàn về đầu tư. Ngay sau khi dịch COVID-19 lắng dịu, một số DN đã tìm đến thành phố trẻ Tây Ðô để tìm kiếm cơ hội làm ăn, đầu tư. Gặp và trò chuyện với tôi tại một quán cà phê có view hướng ra Sông Hậu hiền hòa, ông Ðỗ Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Sáng tạo và Tích hợp công nghệ cao I&I (Hà Nội), trải lòng: Lần đầu tiên đến với Cần Thơ tôi đã bị thu hút bởi cảnh sắc sông nước nơi đây và đặc biệt ấn tượng với chợ nổi Cái Răng. Sau này, khi thành lập công ty và mở rộng hoạt động kinh doanh, suy nghĩ đầu tiên của tôi vẫn là Cần Thơ với mong muốn giới thiệu bộ giải pháp ATL-C (AutoTimeLapse) đến khách hàng.

Theo ông Ðỗ Quốc Việt, Time - lapse là kỹ thuật ghép nhiều bức ảnh liên tiếp lại với nhau, mỗi bức ảnh cách nhau một khoảng thời gian để tạo thành một video tua nhanh hoàn chỉnh. Ðây là kỹ thuật chụp "tua nhanh" thời gian từ vài chục tới hàng nghìn lần và tạo ra những hiệu ứng rất đặc biệt. Vì vậy, công ty mong muốn ứng dụng giải pháp công nghệ thông minh này vào các lĩnh vực thế mạnh của TP Cần Thơ như: xây dựng, dịch vụ du lịch, nông nghiệp thông minh, truy xuất nguồn gốc nông sản...

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: "Gạo Trung An đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ năm 2006, song do mức thuế nhập khẩu cao nên sản lượng hằng năm không nhiều. Từ ngày 1-8, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho gạo Trung An vào thị trường EU nhiều hơn. Đặc biệt đầu tháng 7 này, Công ty đã xuất khẩu thành công 3 container gạo mang thương hiệu Trung An sang Pháp. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam trực tiếp đến tay người tiêu dùng châu Âu".

Quyết định đầu tư vào TP Cần Thơ vào cuối năm 2015; đi vào sản xuất lần đầu tiên vào tháng 10-2017, Công ty TNHH Teakwang Cần Thơ là một số ít các nhà đầu tư quy mô lớn có tiến độ triển khai dự án nhanh chóng nhờ các chính sách liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư được chính quyền thành phố hỗ trợ kịp thời. Bồi hồi nhớ về những ngày đầu triển khai dự án, ông Kim Jae Kwan, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ, kể: "Sản xuất những sản phẩm đầu tiên chỉ với 100 nhân viên. Ðến tháng 12-2019, công ty đã đầu tư với vốn 61 triệu USD, số lượng công nhân viên lên đến 7.700; doanh thu đạt 45 triệu USD/năm. Khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, Taekwang Cần Thơ vẫn hoạt động ổn định trong một môi trường an toàn không có COVID-19. Ðó là sự cố gắng và phản ứng tích cực về phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam nói chung, chính quyền TP Cần Thơ nói riêng". Tin tưởng thị trường sẽ sớm khởi sắc vào khoảng tháng 10 tới, Taekwang cũng đang lên kế hoạch phát triển thành một công ty sản xuất giày thành phẩm thay vì chỉ sản xuất mũ giày như hiện nay.

Chính quyền thành phố tập trung quyết liệt cho công tác cải cách và nỗ lực rất lớn để tận dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm duy trì tăng trưởng trong điều kiện khó khăn từ đại dịch COVID-19. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: "Sau dịch COVID-19, Việt Nam đang đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam; Cần Thơ với vị thế trung tâm ÐBSCL sẽ có nhiều lợi thế. Chúng ta đã có mô hình Khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản là một minh chứng cho quyết tâm của thành phố trong đổi mới phương thức mời gọi, thu hút đầu tư. Thời điểm này, thành phố đang chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: quy hoạch hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin cung cấp đến nhà đầu tư, DN và người dân".

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/kien-tao-xung-kich-bien-nguy-thanh-co-bai-cuoi-vuot-thach-thuc-vung-tin-hoi-nhap-a123837.html