Kiên trì bám biển sản xuất

Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, ngư dân Quảng Trị kết hợp phát triển sản xuất với bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo; quan tâm hơn nữa việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản...

Vụ Phó vụ Khai thác Thủy sản Nguyễn Phú Quốc khai mạc tập huấn tại Cửa Việt

Tổng cục Thủy sản của Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với Vụ Biển Ủy ban biên giới quốc gia-Bộ Ngoại giao, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị tập huấn tuyên truyền về biển đảo và các quy định liên quan đến khai thác thủy sản cho hơn 200 ngư dân chủ tàu đánh bắt xa bờ, lãnh đạo UBND các xã ven biển, các Đồn Biên phòng Cửa Tùng, Cảng Cửa Việt. Thông điệp được phát đi của bà con ngư dân là kiên trì bám biển, tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản.

Vụ Phó vụ Khai thác Thủy sản Nguyễn Phú Quốc cho biết Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển, thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và chủ trương giải quyết mọi tranh chấp trên biển đông bằng các biện pháp hòa bình.

Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biển đảo, các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, quản lý môi trường biển đảo, các cơ sở pháp lý về Luật biển, cập nhật tình hình biển đông và các biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các tầng lớp nhân dân là hết sức cấp thiết để từ đó mỗi người dân, ngư dân luôn phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân của mình. Kiên trì bám biển sản xuất, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác thủy sản và các pháp luật khác có liên quan, phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Các chuyên gia đến từ Vụ Biển Ủy ban Biên giới Quốc gia, Tổng cục Thủy sản trao đổi với bà con ngư dân về tình hình biển Đông hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển đảo Việt Nam. Những nội dung cụ thể như vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Luật Thủy sản 2017, luật pháp các nước trong khu vực có liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường thủy sản và môi trường biển; các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU.

Các hiệp định phân định ranh giới biển và thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và Hiệp định nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam-Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác Khai thác chung Việt Nam- Malaysia; phân định biển Việt Nam-Thái Lan; Hiệp định về Vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia; Hiệp định phân định Thềm lục địa Việt Nam- Indonexia; công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; các quy định xin phòng tránh, trú bão ở vùng biển các nước. Đồng thời, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của ngư dân liên quan đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc đóng mới tàu thuyền, mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ việc đánh bắt, bảo quản thủy sản.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, cho biết thông qua buổi tập huấn đã giúp cho các ngư dân nắm vững các cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, bảo vệ môi trường biển đảo. Đồng thời cũng là diễn đàn để bà con ngư dân trao đổi, thảo luận, tìm hiểu, chia sẻ để từ đó có nhận thức đúng đắn để thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển; tuân thủ các quy định của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngư dân Quảng Trị luôn kiên trì bám biển, khai thác thủy sản đúng quy định

Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài hơn 75km, ngư trường rộng trên 8.400km2 nối cửa Vịnh Bắc Bộ với Biển Đông, có trữ lượng thủy hải sản lớn, khoảng hơn 60 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh có 5 huyện, trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ, 16 xã, thị trấn ven biển với gần 16 ngàn lao động hoạt động thủy sản, trong đó có trên 7 ngàn lao động trên biển, có kinh nghiệm, thuận lợi cho việc khai thác, phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo ANQP biển, đảo.

Tổng số tàu cá tại tỉnh Quảng Trị có hơn 2.300 chiếc, tổng công suất 119 ngàn CV, trong đó tàu cá xa bờ từ 90CV trở lên có 221 chiếc,tăng 74% so với năm 2012. Toàn tỉnh có 25/32 tàu đóng mới theo NĐ 67, trong đó 17 tàu vỏ thép, 07 tàu vỏ gỗ và 01 tàu vỏ Compsite. Sản lượng khai thác thủy hải sản sau mười năm đạt gấp đôi.

Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, ngư dân Quảng Trị kết hợp phát triển sản xuất với bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo; quan tâm hơn nữa việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ sau sự cố môi trường biển nhằm từng bước khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Khuyến khích tàu thuyền tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Thông qua các chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá xa bờ để giảm áp lực khai thác gần bờ và phát triển bền vững là những chủ trương kịp thời và hợp lý của tỉnh Quảng Trị.

Theo ông Nam, hiện chúng ta đã có đầy đủ các công cụ pháp lý, các quy định pháp luật và đã thực thi nghiêm ngặt các quy định liên quan tới công tác quản lý, cấp phép, đăng ký tàu cá, quản lí cảng cá, đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển. Cấp phép khai thác cho tàu cá trên 6m; với tàu cá trên 12m bắt buộc phải áp dụng ghi nhật ký khai thác... Đến đầu năm 2019, Việt Nam sẽ hoàn tất việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho gần 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 24m. Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như Tổng cục Thủy sản đã có các nghị quyết, quy chế phối hợp với nhiều lực lượng chấp pháp trên biển nhằm đảm bảo cho an ninh, an toàn tàu cá trong quá trình khai thác...

LÂM QUANG HUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/kien-tri-bam-bien-san-xuat-post230743.html