Kiên trì bám trụ làm giàu ở biên giới (bài 2)

'Chúng tôi đang trông chờ hệ thống thủy lợi dài trên 30km, dẫn nước từ hồ Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai về tưới cho hơn 4.000 héc ta diện tích cây trồng. Người dân Ia Lốp 'khát nước' lâu lắm rồi và tôi tin nước về đến đâu là dân giàu đến đó. Vùng biên giới này sẽ trở thành trung tâm sản xuất cây ăn trái chất lượng cao của tỉnh Đắk Lắk' - Ông Hoàng Ngọc Ân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ đầy tự tin.

Bài 2: Khát vọng xây dựng biên cương giàu mạnh

Ý chí vượt qua tất cả

Chỉ người dân bám trụ trên vùng đất khô khát này mới cảm nhận sâu sắc câu nói của Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Ngọc Ân: “Người dân Ia Lốp khát nước lâu lắm rồi…”

Hơn 20 năm về trước, Chính phủ cho phép Binh đoàn 16 lên khai hoang vùng đất phía Tây của huyện Ea Súp để hình thành những khu dân cư biên giới. Ông Lê Đăng Tuyển, Bí thư Chi bộ thôn Dự, xã Ia Lốp nhớ lại: “Tôi là tốp công dân đầu tiên đến vùng đất này. Lúc bấy giờ, Ia Lốp giống như một “sa mạc chết”. Trời thì nắng như thiêu, như đốt, lại xa nguồn nước, nên cả một vùng biên giới mênh mông mà không có một ngôi nhà nào, ngoài những cái lán tạm để bám trụ trồng điều thuộc dự án kinh tế quốc phòng. Cây điều vốn được mệnh danh là “vua chịu hạn”, nhưng cũng chỉ trụ được vài ba năm đầu, sau đó là đồng loạt bị chết héo. Điều chết, phải cắn răng chặt bỏ để thay thế bằng cây keo, loại cây làm nguyên liệu giấy thuộc hàng “con nhà nghèo” (đầu tư thấp), nó là cây chịu được khô hạn song hiệu quả kinh tế vẫn là con số 0”.

Thi công kênh dẫn nước từ hồ Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai về tưới cho hơn 4.000 héc ta của xã Ia Lốp. Ảnh: Hải Luận

Thi công kênh dẫn nước từ hồ Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai về tưới cho hơn 4.000 héc ta của xã Ia Lốp. Ảnh: Hải Luận

Khai hoang được một thời gian khá dài, Binh đoàn 16 tinh giảm biên chế, nhiều công nhân viên quốc phòng như ông Tuyển thôi việc, song ông Tuyển và nhiều người không về quê Hà Tĩnh mà ở lại lập lán bám trụ vùng đất này sinh sống. “Năm 2004, bắt đầu có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số di dời vùng lòng hồ thủy lợi Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa vào Ia Lốp định cư. Sau đó, bà con ở tỉnh Bến Tre đi kinh tế mới lên hình thành nên nhiều khu dân cư mới. Cùng với số công nhân của Binh đoàn 16 rời đơn vị ra lập gia đình, giúp cho dân số ở đây tăng nhanh, đủ để thành lập xã mới Ia Lốp. Tôi không thể hình dung được vùng “sa mạc chết” đến nay lại phát triển đông đúc như thế này. Ý chí con người và khát vọng xây dựng biên cương giàu mạnh đã vượt lên tất cả.”- Ông Tuyển tóm lược lịch sử.

Ngày rời khỏi Binh đoàn 16, vợ chồng ông Tuyển tiết kiệm mua được cặp bò giống, chịu đựng mọi khó khăn thiếu thốn để chăm sóc. Đàn bò cứ thế tăng dần theo năm tháng; từ 2 con lên 10, rồi 20, 50 con và hiện nay là 80 con. Mỗi năm ông Tuyển bán hàng chục con bò để lấy tiền xây nhà, cho con ăn học… Vùng quê nào cũng vậy, chỉ có siêng năng cần cù, chịu thương, chịu khó mới làm ra của cải vất chất. Riêng vùng đất Ia Lốp, những tố chất đó phải được tăng lên gấp bội phần.

Năm 2006, xã biên giới Ia Lốp chính thức được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên trên 19.000 héc ta. Tính đến thời điểm hiện tại, xã có 18 thôn, dân số trên 6.000 người thuộc 16 dân tộc anh em cùng nhau chung sống.

Nước về dân sẽ giàu

Điều người dân xã Ia Lốp trông chờ nhất hiện nay là hệ thống kênh thủy lợi cấp 1 từ hồ chứa thủy lợi Ia Mơr, công trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ đầu tư, tổng trị nguồn vốn là 3.000 tỉ đồng (nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai) để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân 2 huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Súp (Đắk Lắk). Hiện tại, tuyến kênh chính có chiều rộng 1,6 m, dài trên 35km đang được triển khai xây dựng. Tỉnh Đắk Lắk đã bố trí thêm nguồn vốn xây dựng những tuyến kênh mương nhỏ nội đồng, đủ sức tưới cho hơn 4.000 héc ta cây trồng.

“Theo kế hoạch, cuối năm 2021, toàn bộ hệ thống kênh mương sẽ làm xong và nước sẽ về đến chân ruộng. Các đơn vị thi công đang tích cực làm đường nội đồng, đường giao thông nông thôn kết nối các khu dân cư với nhau. Nước về dân sẽ giàu, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ sản xuất 2 vụ ăn chắc, diện tích cây ăn quả tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Chủ động được nguồn nước tưới, bà con cũng sẽ trồng được cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc ở quy mô lớn hơn” - Ông Hoàng Ngọc Ân hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Ông Lê Đăng Tuyển. Ảnh: Hải Luận

Với đặc thù vùng đất khô hạn, thích hợp với cây ca cao, từ năm 2016 đến nay, Công ty CIC Đắk Lắk đã trồng 180 héc ta cây ca cao tại xã Ia Lốp theo mô hình xen canh với cây chuối để hạn chế mất nước, nhưng vẫn phụ thuộc nguồn nước ngầm. Khi công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành chắc chắn sẽ thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp về đây đầu tư làm ăn.

Cùng với đó, xã Ia Lốp đang thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời quy mô lớn với tổng công suất hơn 2.000 MW. Đây là một trong những dự án đầu tư quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Lắk từ trước đến nay. Có thể nói, việc triển khai dự án ở vùng biên giới của huyện Ea Súp có giá trị kích cầu rất lớn cho vùng chuyên canh nông nghiệp phát triển. Bên cạnh sử dụng nguồn nhân lực lao động tại chỗ, dự án còn tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông. Điều này đã được hiện thực hóa khi doanh nghiệp có bước đầu tư hỗ trợ địa phương sửa chữa nâng cấp đoạn đường nối quốc lộ 14C dọc biên giới với một số tỉnh lộ trên địa bàn.

“Giá trị lớn nhất của dự án điện năng lượng mặt trời chính là đánh thức tiềm năng của vùng đất cằn cỗi nhất của tỉnh Đắk Lắk mang lại nguồn thu ngân sách cực kỳ lớn cho địa phương. Hiện nay, dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện Ninh Bình đã hoàn thành và đi vào vận hành giai đoạn 1 (khoảng 600 MW) vào ngày cao điểm doanh thu đạt mấy chục tỷ đồng tiền bán điện” - Ông Phạm Ngọc Long, đại diện Tập đoàn Xuân Thiện Ninh Bình thông tin thêm.

Bài 3: Mắc ca - “cây nhà nghèo” cho thu nhập cao

Hải Luận - Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-tri-bam-tru-lam-giau-o-bien-gioi-bai-2-post442479.html