Kiên trì, lắng nghe bộ đội

Chuyện từ 10 năm trước, ngày Đại tá Võ Sơn Anh, Phó chính ủy Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 đang là cán bộ trung đoàn, đã giải quyết thấu lý, đạt tình trường hợp chiến sĩ mới N.V.N thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48, Sư đoàn 320) viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng khi được biên chế về đơn vị mới thì bỏ trốn về nhà.

Sau khi trở lại đơn vị, chiến sĩ N tiếp tục bỏ trốn, bị vệ binh Trung đoàn phát hiện. Đơn vị buộc phải để N ở tạm trong phòng kỷ luật, dù vậy N vẫn chán nản, thậm chí còn cắn tay, viết lên tường dòng chữ bằng máu: “Con xin lỗi cha”. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Sơn Anh đã cho N về đơn vị. Ngay trong buổi tối hôm ấy, anh xuống Đại đội 4, trực tiếp duy trì sinh hoạt với chiến sĩ mới mà không có đội ngũ cán bộ cấp dưới tham gia, lắng nghe chiến sĩ mới thoải mái giãi bày những tâm tư, vướng mắc. Những ngày sau đó, đồng chí Sơn Anh nhiều lần gặp chiến sĩ N chia sẻ những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội; về niềm vinh dự, tự hào của người thanh niên khi được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh với tên gọi thân thương Bộ đội Cụ Hồ... Cùng với đó là sự gần gũi động viên của đội ngũ cán bộ đại đội, trung đội đã làm cho N thay đổi suy nghĩ và có nhiều tiến bộ. Kết thúc đợt huấn luyện chiến sĩ mới năm ấy, N là một trong những quân nhân có thành tích tốt được biểu dương, khen thưởng. Những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ và từ bài học sâu sắc đó, N đã tiến bộ, trưởng thành, đến nay có công việc ổn định và trở thành người cha của một gia đình nhỏ.

Ảnh minh họa: Qdnd.vn

Từ câu chuyện này có thể thấy, để nắm bắt và quản lý tốt tư tưởng, tâm lý bộ đội, không chỉ riêng chiến sĩ mới mà đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, người cán bộ phải giải quyết tốt mối quan hệ cán-binh. Nghĩa là người cán bộ phải làm việc công tâm, khách quan trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, Điều lệnh Quản lý bộ đội và hơn hết phải luôn có tình yêu thương chiến sĩ. Muốn vậy, cán bộ phải thực sự sâu sát, nắm bắt đúng diễn biến tâm lý của chiến sĩ để tiến hành công tác tư tưởng phù hợp, như vậy mới giúp chiến sĩ có nhận thức đúng, hành động đúng.

Thực tế cho thấy ở đơn vị nào đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, tâm huyết trong công việc, thương yêu cấp dưới, chiến sĩ thì ở đơn vị đó có bầu không khí dân chủ, cởi mở. Tình yêu thương được thể hiện bằng những hành động thiết thực, như: Quan tâm bộ đội ăn, uống, ngủ, nghỉ; hỏi thăm, động viên trong huấn luyện, học tập, sinh hoạt hằng ngày... Ngược lại, người cán bộ, chỉ huy độc đoán, gia trưởng, không gần gũi, không yêu thương, quan tâm đến bộ đội thì đơn vị sẽ không có sự phát triển bền vững.

Có thể nói, tình yêu thương chiến sĩ, tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn sẽ làm cơ sở để xây dựng một tập thể vững mạnh, lâu bền. Song tình yêu thương đó phải dựa trên tinh thần kỷ luật tự giác và nghiêm minh, sự tôn trọng lẫn nhau, có trên có dưới, tránh biểu hiện nhận thức không đúng, “cá mè một lứa”, “bao biện làm thay”... dễ dẫn đến nguy cơ tình cảm bị xói mòn, tập thể khó mà hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Câu chuyện giải quyết mối quan hệ cán-binh nêu trên vẫn sẽ là bài học kinh nghiệm bổ ích trong việc quản lý, giáo dục bộ đội trong tình hình hiện nay. Nhất là đối với những đơn vị trực tiếp huấn luyện chiến sĩ mới.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/kien-tri-lang-nghe-bo-doi-718939