Kiểu vũ khí Kremlin tự hào bị sa vào 'ổ phục kích'

Điều gì V.Putin đã tránh đề cập tới trong Thông điệp năm mới của mình

Xin được giới thiệu tiếp bài của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc, nguyên kỹ sư trưởng Phòng thiết kế TSNIIMASH (Viện Nghiên cứu Khoa học chế tạo máy Trung ương trực thuộc tập đoàn vũ trụ quốc gia Nga Roscosmos- cơ quan chuyên nghiên cứu thiết kế tên lửa-ND) về những ưu điểm và nhược điểm của vũ khí Nga so với vũ khí Mỹ- ông viết bài này nhân sự kiện Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang ngày 15/1/2020 mới đây.

Sau đây là nội dung bài viết:

Trên ảnh: tổ hợp tên lửa siêu thanh (M>5) “Avangard” (Ảnh: Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng LB Nga /ТАSS)

“Trong Thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (ngày 15/1/2020-ND), Tổng thống V. Putin đã tuyên bố rằng nhờ có những bước đột phá mang tính cách mạng trong (lĩnh vực) thiết kế chế tạo các mẫu vũ khí, nước Nga có thể đảm bảo được khả năng phòng thủ cho mình trong nhiều thập kỷ sắp tới.

Ông nói: “Chúng ta (Nga) không đe dọa bất cứ ai hoặc cố áp đặt ý chí của mình (cho bất kỳ ai). Nhưng đồng thời, tôi có thể đảm bảo với tất cả các vị rằng rằng: những bước đi nhằm tăng cường và củng cố an ninh quốc gia của chúng ta đã được tiến hành đúng lúc và đầy đủ ...

Lần đầu tiên trong toàn bộ lịch sử tồn tại của (các kiểu) vũ khí tên lửa- hạt nhân- kể cả trong thời kỳ Xô Viết và trong lịch sử hiện đại- chúng ta đã không (còn cần phải) chạy đuổi theo bất kỳ ai nữa”.

Lẽ dĩ nhiên, tại các sự kiện mang tính lễ trọng kiểu như vậy, và nhất là khi đọc Thông điệp gửi Quốc hội Liên bang, người ta sẽ chỉ được nghe toàn những từ ngữ “có cánh” kiểu như vậy.

Nhưng đồng thời, tất nhiên, đứng sau những tuyên bố đó bao giờ cũng phải có một “thực tế khách quan” của sự vật sự việc đảm bảo (tức phải có cơ sở-ND).

Nếu như chúng ta ôn lại lịch sử, đặc biệt là giai đoạn rất khó khăn nửa sau thập niên 40 của thế kỷ trước, khi mà chúng ta (Liên Xô khi đó) đã phải đuổi theo Mỹ trong điều kiện đang tồn tại một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với chính sự tồn vong của Quốc gia Xô Viết- Liên Xô có thể bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Trong khi không có cái gì trong tay để đáp trả.

Kế hoạch tấn công hạt nhân đầu tiên (của Mỹ nhằm vào Liên Xô) mang tên “Pincher” đã được soạn thảo xong vào tháng 3/1946. Theo kế hoạch này, Mỹ (sẽ) sử dụng gần như toàn bộ kho vũ khí hạt nhân- tất cả những gì mà ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sản xuất được trong một năm (1945), để tấn công Liên Xô.

Kế hoạch này được lập theo Sắc lệnh của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và được phê duyệt vào tháng 12/1945. Trong Sắc lệnh nói trên có điều khoản ghi rõ bằng giấy trắng mực đen như sau: "Loại vũ khí hiệu quả nhất mà Mỹ có thể sử dụng để tấn công Liên Xô là những quả bom nguyên tử hiện có".

Cùng với quá trình “tích lũy” ngày càng nhiều vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng soạn thảo và thông qua những kế hoạch (tấn công Liên Xô) ngày càng tham vọng và đồ sộ hơn– đó là các (bản) kế hoạch “Bushwacker”, “Crankshaft”, “Halfmoon”, “Cogwill”, “Off-tackle”.

Năm 1948, người Mỹ đã thông qua kế hoạch “Charioteer” – tức kế hoạch ném 200 quả bom nguyên tử xuống 70 thành phố của Liên Xô.

Và, cuối cùng, tháng 12/1949, khi Liên Xô đã thử nghiệm bom (nguyên tử), bản kế hoạch “Dropshot” (của Mỹ) đã được phê duyệt. Theo kế hoạch này, sẽ có 300 quả bom nguyên tử được sử dụng để hủy diệt Liên Xô.

Và sau khi Quân đội và ngành công nghiệp (Liên Xô) đã nằm sâu trong các đống đổ nát (vì bom hạt nhân-ND), Mỹ sẽ ném bồi 250 nghìn tấn bom thông thường để kết liễu (Liên Xô).

Sau đó, (Mỹ) sẽ chia Liên Xô thành bốn khu vực- mỗi khu vực sẽ được giao cho một cụm quân Mỹ chiếm đóng và kiểm soát.

Nhưng sau đó, cán cân tiềm lực hạt nhân của hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) dần được cân bằng.

Còn hiện nay, quả thực, nhờ vào những công lao đóng góp không thể nghi ngờ của các nhà khoa học và kỹ sư Nga, nước Nga đã vượt trước những đối thủ cạnh tranh bám gần mình nhất về chất lượng những loại vũ khí tạo thành lá chắn tên lửa- hạt nhân bảo vệ đất nước chúng ta.

Ở góc độ này, V.Putin đã tuyệt đối đúng. Nhưng, chúng ta cũng cần phải thừa nhận một điều, ông chỉ đúng nếu xét một cách tổng thể và bao quát. Dù sao vẫn còn tồn tại một số (nhược) điểm làm hỏng tính “hoành tráng” của tuyên bố trên của Putin, nhưng chúng ta sẽ nói tới chuyện này sau.

Còn bây giờ- về những thành tựu thực thụ cho phép chúng ta nói về một sự tụt hậu rất đáng kể trong nghiên cứu – thiết kế (vũ khí) của nước ngoài (so với Nga). Trước hết, đó là các thiết kế của người Mỹ. Nếu quy đổi và diễn đạt (sự tụt hậu đó) bằng tiêu chí thời gian, nước Mỹ đang đi sau Nga từ 5-10 năm.

Trong phân khúc (thành tố) mặt đất của Bộ ba hạt nhân, Nga đã đi trước Mỹ từ trước đây rất lâu. Ít nhất cũng bởi vì Mỹ đã dừng lại trong lĩnh vực vũ khí này vào những năm 70, khi 400 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) “Minuteman-3” Mỹ được đưa vào trực chiến trong hầm phóng.

Nga hiện sở hữu các ICBM tiên tiến hơn rất nhiều (so với Mỹ)- cả các tên lửa phóng từ hầm phóng (“Voevoda”) và cả tổ hợp tên lửa cơ động trên mặt đất (“Yars”). Hiện nay, Nga đang thử nghiệm và sẽ sớm đưa vào trang bị loại ICBM siêu nặng không có đối thủ “Sarmat” .

Sự hoàn hảo kỷ lục về hiệu suất sử dụng năng lượng của nó cho phép tiến hành một cuộc “tấn công vũ trụ” nhằm vào kẻ thù,- có nghĩa là bay tránh được các khu vực phòng thủ chống tên lửa của đối phương.

Còn về các khối tác chiến “Avangard” trang bị cho các ICBM “Sarmat”- chúng không những đã sẵn sàng từ lâu, mà còn đã được đưa vào trang bị, và đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Những khối tác chiến này bay và liên tục thực hiện các động tác cơ động khi bay ở tốc độ vượt quá 20 M, - vì thế mà không một hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào, cả đang có và sẽ có, có khả năng đánh chặn được chúng.

Và nữa- những khối tác chiến “Avangard” này cũng không cần đợi đến khi “Sarmat” đã sẵn sàng (để lắp đặt cho “Sarmat”), chúng đã được lắp trước cho các ICBM UR-100N UTTKh (tiếng Nga- УР-100Н УТТХ-ND) rồi.

Còn một tên lửa siêu thanh khác - Kh-47M2 “Kinzhal” ("Dagger") – (“Dao găm”) tốc độ 10 M. Phương tiện mang nó (“Kinzhal”) hiện nay là máy bay tiêm kích đánh chặn đã hiện đại hóa MiG-31K.

Vào thời điểm hiện tại, các công trình sư và kỹ sư Nga đang thực hiện mọi công việc cần thiết để trang bị “Kinzhal” cho máy bay tiêm kích thế hệ năm Su-57 và máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-22M3M.

Cự ly bắn của kiểu tên lửa vừa có thể mang đầu tác chiến thông thường vừa có thể mang đầu tác chiến hạt nhân này vượt quá 1.000 km. Tổng cự ly bắn của tên lửa, nếu tính tới bán kính tác chiến của phương tiện mang thì,- với MiG-31K (nếu phương tiện mang là MiG-31K) – 2.000 km, với Tu-22M3M – 3.000 km.

Một loại vũ khí độc đáo nữa nằm trong thành tố biển của Bộ ba hạt nhân- đó là thiết bị ngầm không người lái “Poseidon” động cơ hạt nhân.

Nó được lắp một đầu đạn hạt nhân công suất mạnh đến mức đủ sức tàn phá cả một không gian (lãnh thổ) cực rộng lớn ven biển của đối phương – tức một khu vực lãnh thổ hình chữ nhật với các cạnh có chiều dài 1.500 km và chiều rộng trên 300 km.

"Poseidon" Nga chiếm kỷ lục về độ ồn (thấp) giúp nó vượt qua các khu vực phòng thủ chống ngầm, cũng như sở hữu tốc độ như "bay" trong bong bóng hơi nước,- lên tới 300 km / h.

Còn một số kiểu vũ khí phi chiến lược độc đáo nữa, - các kiểu vũ khí sử dụng những công nghệ mà các công trình sư thiết kế vũ khí Phương Tây phải mất nhiều năm nữa mới có thể tiếp cận được.

Đó là tên lửa chống hạm siêu thanh “Zircon” (tốc độ lên tới 9 M), là laser tác chiến “Peresvet” và là tên lửa hành trình (có cánh) sử dụng động cơ hạt nhân “Burevestnik”.

Nhưng trên nền của những điều tuyệt vời này, vẫn tồn tại một số lĩnh vực mà Nga tụt hậu cục bộ so với Mỹ. Một trong những sự tụt hậu đó- và cũng khá nghiêm trọng – đó là sự tụt hậu trong lĩnh vực chế tạo các tên lửa trang bị cho các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược.

Cũng có sự tụt hậu rất đáng kể về độ chính xác của tên lửa. Sai số xác suất vòng tròn (cự ly tối đa tính điểm rơi đến tâm mục tiêu-ND của “Bulava” Nga là 350 mét. Trong khi với tên lửa “Trident-2” của Mỹ- chỉ từ 90 đến 120 mét.

Cũng có sự khác biệt rất đáng kể về trọng lượng ném (nôm na- trọng lượng đầu tác chiến- ND)- 1.150 kg (của “Bulava” Nga) so với 2.800 kg (của “Trident-2” Mỹ). Chỉ số về tầm bắn tối thiểu của tên lửa Nga có khá hơn một chút (so với tên lửa Mỹ) 9.300 km so với 11.300 km.

Phóng tên lửa “Trident-2” từ tàu ngầm

Có thể ai đó nghĩ rằng đây chỉ là một sự thua kém về số lượng, và sự thua kém đó có thể dễ dàng được “bù đắp” một phần bằng cách cách tăng số lần phóng. Nhưng trên thực tế, hoàn toàn không phải như vậy- đó là sự thua kém về chất lượng.

Và (sự thua kém này) là khá nghiêm trọng, nếu tính tới công suất của đầu tác chiến. Với “Trident”, mỗi khối trong số 8 khối tác chiến có công suất 475 Kt. Còn với “Bulava”- 6 khối, mỗi khối công suất 150Kt.

Ý nghĩa quan trọng nhất của đòn tấn công phủ đầu cũng như của đòn tấn công trả đũa là hủy diệt được các hầm phóng tên lửa và các sở chỉ huy- những công trình kỹ thuật cực kỳ kiên cố của đối phương.

Có nghĩa là khối tác chiến chỉ được phép rơi lệch mục tiêu cần tấn công ở một cự ly không đáng kể và cùng với đó- phải có sức công phá đủ mạnh để phá hủy mục tiêu đó.

Và vì vậy, xác suất thành công (hủy diệt mục tiêu) của “Trident- 2” Mỹ cao gấp 4 lần so với “Bulava” Nga. Có nghĩa là xét cho cùng thì tên lửa (“Bulava”) của Nga chủ yếu được sử dụng để tấn công các “mục tiêu diện”.

Do đó, tất cả hy vọng (của Nga) đều dồn vào các tên lửa phóng từ mặt đất,- kiểu vũ khí mạnh hơn và có độ chính xác cao hơn so với các tên lửa Mỹ cùng loại.

Tuy nhiên, dù vậy thì khoảng trống tụt hậu của "thành tố biển" (tức các ICBM phóng từ tàu ngầm-ND) cần phải được lấp đầy ngay lập tức- và đây (khắc phục sự tụt hậu nói trên) chính là những công việc mà Viện Kỹ thuật Nhiệt Mát xcova, cha đẻ của Bulava”, đang ráo riết thực hiện.

Một thành tố quan trọng của cả Lá chắn tên lửa- hạt nhân là Hệ thống cảnh báo đòn tấn công tên lửa (viết tắt tiếng Nga – SPRN). Hệ thống này có thành phần cấu thành trên mặt đất (một mạng radar quan sát tầm xa) và thành phần vũ trụ (một cụm các vệ tinh chuyên dụng).

Với thành phần mặt đất, mọi việc của chúng ta (Nga) đều rất ổn, chúng ta đã phủ được một trường radar liên tục – kể cả trường radar liên tục trên đường chân trời và trường radar liên tục ngoài đường chân trời.

Nhưng còn với cụm vũ trụ "Mái vòm"- tức cụm các vệ tinh “Tundra” (“Đài nguyên”), thì tình hình không được tốt đẹp cho lắm. Những vệ tinh mới đưa vào thay thế cho nhóm vệ tinh “Oko-1” đã lỗi thời có khả năng vượt trội rất đáng kể so với khả năng những phương tiện đã hết hạn sử dụng (tức các vệ tinh nhóm “Oko-1”).

Chúng có khả năng không chỉ phát hiện được các điểm phóng tên lửa qua luồng lửa của động cơ đang hoạt động, mà còn tính được quỹ đạo bay và mục tiêu mà tên lửa đó nhắm tới.

Để cụm "Mái vòm" hiện đại có thể hoạt động bình thường trong vũ trụ, cần phải có 10 vệ tinh bay trên các quỹ đạo khác nhau. Hiện giờ ta (Nga) mới chỉ có 3 vệ tinh, chiếc mới nhất (thứ ba) trong số đó mới được đưa lên quỹ đạo Tháng 9 năm ngoái (2019).

Theo kế hoạch ban đầu, cả 10 vệ tinh lẽ ra phải bắt đầu làm việc vào năm 2020 này. Nhưng sau khi điều chỉnh kế hoạch, mốc thời gian được lùi sang năm 2022. Nhưng chắc chắn, cái mốc thời gian này (2022) cũng tuyệt đối không thực tế (không khả thi).

Bởi vì 3 vệ tinh mới hiện đang hoạt động trên vũ trụ đã được phóng lần lượt với giãn cách thời gian là 2 năm/chiếc. Thậm chí ngay cả trong trường hợp các tên lửa sắp tới được phóng cách nhau chỉ từng năm một- thì cũng phải đến năm 2027 mới đưa được cả 10 vệ tinh cần thiết lên quỹ đạo.

Và đây- ổ phục kích quan trọng nhất. Các công trình sư, các nhà khoa học của chúng ta (Nga) có thể thiết kế nhiều phương tiện kỹ thuật quân sự (vũ khí) có một không hai, nhưng thực trạng của ngành công nghiệp (quốc phòng Nga) hiện nay là các nhà máy không đủ năng lực sản xuất những vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân đó một cách nhanh chóng, đồng bộ và đủ số lượng cần thiết.

Tình trạng này, dĩ nhiên, có phần là do những tác động của yếu tố (khó khăn) kinh tế. Tất cả lực lượng (nhân lực) và phương tiện (tiền bạc) được dồn hết cho vũ khí chiến lược, cho phương tiện kỹ thuật (vũ khí- khí tài) kiềm chế.

Trong khi đó, đối với những thứ “đơn giản” hơn (tức vũ khí phi chiến lược-ND), thì mọi việc lại phức tạp hơn rất nhiều. Có thể liệt kê (các vấn đề) ở đây trên nhiều tờ giấy. Nhưng chúng ta chỉ hãy nhắc đến một số. Đó là : xe tăng “Armata”, máy bay tiêm kích Su-57 và tổ hợp pháo tự hành “Koalitsia –SV” ...

Còn về những gì liên quan đến việc đóng các tàu chiến mặt nước, tình trạng có thể nói ngắn gọn – đó thực sự là cả một thảm họa.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/kieu-vu-khi-kremlin-tu-hao-bi-sa-vao-o-phuc-kich-3395419/