Kim chỉ nam cho sự bứt phá của thành phố Hải Phòng

Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng là kết tinh trí tuệ, tầm nhìn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; định hình rõ nét sự phát triển và các công trình dự án cụ thể của thành phố trong 5 đến 10 năm tới; là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển bứt phá của Hải Phòng.

Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng định hình rõ nét sự phát triển và các công trình dự án (Nguồn: Internet)

Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng định hình rõ nét sự phát triển và các công trình dự án (Nguồn: Internet)

Kết tinh trí tuệ, tầm nhìn, rõ định hướng phát triển

Ngay sau khi Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng thông qua Nghị quyết, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai phổ biến đến các chi, đảng bộ trong toàn thành phố. Đồng thời tổ chức triển khai ngay các đề án, dự án, công trình trọng điểm quan trọng trên các lĩnh vực công tác được xác định trong Nghị quyết và Chương trình hành động, bảo đảm Nghị quyết đi ngay vào cuộc sống từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ.

Thực tiễn cho thấy, cán bộ, đảng viên, nhất là đông đảo các tầng lớp nhân dân rất quan tâm, chủ động nắm bắt Nghị quyết. Với chủ đề: “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống “trung dũng - quyết thắng”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển bứt phá; cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước”. Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố là kết tinh trí tuệ, tầm nhìn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, thực sự là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển bứt phá của Hải Phòng trong những năm tới.

Về định hướng phát triển thành phố những năm tới, Nghị quyết nêu rõ: “Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030”.

Trong mục tiêu Đại hội 16 Đảng bộ thành phố có sự tiếp thu chủ yếu mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 mà Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đề ra. Đồng thời có nghiên cứu, thảo luận, chắt lọc trên nguyên tắc định hình rõ quy mô, tầm vóc của thành phố trong 5 năm tới, rõ những việc cần hoàn thành.

Điểm nổi bật của mục tiêu tổng quát Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố so với Đại hội 13 của Đảng là đề ra những mục tiêu cao hơn, đi tiên phong, thể hiện vị thế, vai trò, trách nhiệm của thành phố đối với đất nước.

Hệ thống 20 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường, xây dựng Đảng đều ở mức cao hơn chỉ tiêu cả nước mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra. Điều đó vừa cho thấy vị thế, vai trò của Hải Phòng, vừa thể hiện trách nhiệm của thành phố đối với đất nước. Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà còn vì cả nước.

Quán triệt giá trị cốt lõi của Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiến – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng nêu rõ 4 phương hướng phát triển của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; tập trung phát triển đột phá hạ tầng giao thông, đô thị, ba trụ cột kinh tế, ưu tiên nguồn lực xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Định hình rõ nét sự phát triển và các công trình dự án

Để sớm đưa nội dung Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố vào thực tiễn cuộc sống, nói đi đôi với làm, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần” và phương châm “5 rõ” của Thành ủy (rõ mục tiêu, rõ lộ trình, rõ nguồn lực, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).

Trong thu ngân sách, đồng chí Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Nghị quyết Đại hội 16 đề ra chỉ tiêu thụ trên địa bàn năm 2021 là 89.491 tỷ đồng, tới năm 2025 là 145.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chương trình hành động của Thành ủy phấn đấu đối với chỉ tiêu thu nội địa vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16, đạt mục tiêu chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy. Cụ thể, thu nội địa năm 2021 đạt 38.300 tỷ đồng (Nghị quyết Đại hội 16 là 35.000 tỷ đồng); năm 2025 đạt 75.000 tỷ đồng (Nghị quyết đề ra là 65.000 tỷ đồng).

Các giải pháp trọng tâm là: Kêu gọi đầu tư mới vào thành phố, cùng với việc thành lập doanh nghiệp mới tại Hải Phòng để đóng góp vào ngân sách Nhà nước; khai thác hiệu quả cao các nguồn thu từ đất thông qua phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng thêm các khu đô thị mới; khai thác các nguồn thu mới; điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố phù hợp thực tế; đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ở các khu vực, lĩnh vực còn nhiều thất thu, thất thoát; xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý thu, chi ngân sách...

Về chỉnh trang các tuyến sông giai đoạn 2021 - 2025, có 15 dự án với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc đôn đốc, hoàn thành các khách sạn 5 sao như: Pullman, Hilton, Đồi Rồng... trong năm 2021, thành phố tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp đa chức năng thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp số 4 phố Trần Phú (quận Ngô Quyền), diện tích 1,3ha, cao 44 tầng, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; xây dựng khách sạn 5 sao tại số 2A Sở Dầu, quận Hồng Bàng với diện tích gần 1ha, cao 31 tầng, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; thực hiện dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao tại chợ Sắt, quận Hồng Bàng, cao khoảng 45 tầng, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Về xây dựng các khu đô thị mới, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng không gian đô thị theo 3 hướng đã được xác định. Theo đó, về phía bắc, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; xây dựng trung tâm hành chính - chính trị tại Bắc sông Cấm; khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; các khu đô thị mới tại khu vực Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động, Lâm Động...) khu đô thị và công nghiệp VSIP; các khu công nghiệp Thủy Nguyên, Bến Rừng... Về phía Đông, xây dựng khu đô thị cho công nhân ở Đình Vũ, Cát Hải; xây dựng khu hậu cần phục vụ các tuyến cáp treo tại huyện Cát Hải; xây dựng các khu đô thị phục vụ du lịch tại đảo Cát Bà. Về phía đông nam, hoàn thiện khu du lịch quốc tế Đồi Rồng và đầu tư xây dựng các dự án du lịch tại Đồ Sơn, hai bên đường 353...

Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển bứt phá của Hải Phòng (Nguồn: Internet).

Về xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đô thị hóa, thành phố sẽ hoàn thành 8 xã Nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021 với tổng vốn đầu tư từ ngân sách là 1.083 tỷ đồng, bình quân 135 tỷ đồng/xã. Đồng thời xây dựng 14 xã Nông thôn mới kiểu mẫu tiếp theo năm 2021 với tổng vốn đầu tư từ ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng, bình quân 180 tỷ đồng/xã; phấn đấu tới năm 2025, 100% số xã đạt tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Các công trình giao thông sẽ khởi công trong năm 2021 gồm cầu Nguyễn Trãi, tổng mức đầu tư 5.375 tỷ đồng; cầu Bến Rừng, tổng mức đầu tư 1.940 tỷ đồng; cầu Lại Xuân, tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng. Cả 3 cầu này dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Cùng với đó, năm 2021 sẽ khởi công bến số 3, 4, 5, 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi; cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 10, đoạn đường từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; đường Đông Khê 2; đường đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn... Các tuyến đường chính sẽ xây dựng trong giai đoạn 2012-2025 gồm các đoạn tuyến của đường vành đai 2 (mặt cắt 68m), đoạn Tân Vũ - Bùi Viện dài 10,6km; đoạn Đình Vũ - Thủy Sơn dài 8,6km với tổng mức đầu tư 15.950 tỷ đồng; đường vành đai 3 đoạn Lưu Kiếm - Lập Lễ (mặt cắt 68m) dài 11km, tổng mức đầu tư khoảng 6.734 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 100 cây cầu để kết nối giữa thành phố với các tỉnh lân cận, kết nối giữa các quận, huyện và kết nối trong các quận, huyện. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 68 cầu, với tổng mức đầu tư dự kiến 17.391 tỷ đồng. Ngoài ra đầu tư 12 nút giao thông ở các cửa ngõ, nút giao thông trọng điểm thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 7.884 tỷ đồng.

Về phát triển Khu, Cụm công nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến thành lập thêm 15 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 6.400ha; phát triển 20 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 828ha.

Trong phát triển cảng biển, logistics, sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và phát triển các trung tâm logistics như Trung tâm logistics Lạch Huyện 50ha; Trung tâm logistics Nam Đình Vũ 150ha; Trung tâm logistics VSIP 15ha; Trung tâm logistics Tràng Duệ 30ha; Trung tâm logistics Tiên Lãng 10ha; Trung tâm logistics chuyên dùng hàng không 6ha.

Các công trình hạ tầng du lịch sẽ tiếp tục khởi công giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Tuyến cáp treo 1 dây Phù Long - Cát Bà dài 15,6km, công suất vận chuyển tối đa 4.000 khách/giờ; sân golf Xuân Đám với diện tích khoảng 100ha; khu cảng và đô thị phục vụ du lịch tại xã Phù Long với diện tích khoảng 154ha (chân cáp treo); khu bãi tắm nhân tạo và độ thị du lịch tại Cát Đồn với diện tích khoảng 180ha; khu bến tàu và các công trình phục vụ du lịch tại khu vực Cái Bèo với diện tích khoảng 12ha; bãi tắm nhân tạo và khu phức hợp Vịnh Trung tâm thị trấn Cát Bà với diện tích khoảng 65ha và một số công trình phục vụ du lịch khác tại Cát Bà (tượng Phật trên núi, cầu treo ngắm cảnh, chùa đá, vườn hoa, tàu hỏa leo núi tại Trung tâm thị trấn Cát - Bà)... Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng khu du lịch quốc tế Đồi Rồng từ 261ha lên 480ha; xây dựng Khu di tích bến tàu không số K15, Khu du lịch đảo Dấu.

Về xây dựng, phát triển văn hóa, thể dục thể thao, Hải Phòng tiếp tục đề nghị công nhận các di sản văn hóa phi vật thể như: Di sản Lễ hội Ngô Quyền (Lễ hội Từ Lương Xâm) tại quận Hải An; Di sản Lễ hội Ngũ Linh Từ tại huyện Tiên Lãng... Đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng các công trình thể thao như hoàn thiện các hạng mục khu huấn luyện đua thuyền thành phố (Thủy Nguyên), diện tích 17ha, dự kiến kinh phí 500 tỷ đồng. Các công trình văn hóa sẽ xây dựng, sửa chữa giai đoạn 2021-2025 gồm: Nhà hát quy mô 2.000 chỗ ngồi tại khu đô thị Bắc sông Cấm, dự kiến mức đầu tư 798 tỷ đồng; nâng cấp Bảo tàng Hải Phòng; nâng cấp, sửa chữa và số hóa Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố...

Thành phố ưu tiên và dành nguồn lực xây dựng các công trình phòng thủ theo quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ giai đoạn 2020-2021. Đồng thời ưu tiên củng cố, cải tạo, xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh phòng thủ tuyến biên giới biển, đảo tại các quận, huyện: Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Đồ Sơn, Tiên Lãng; xây dựng Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn trên biển tại các quận, huyện: Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Đồ Sơn và xây dựng các công trình vừa bảo đảm quốc phòng an ninh, vừa phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về hiện đại hóa đô thị, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ 6 việc cần làm là: xây dựng, mở rộng công viên cây xanh; xây dựng các chung cư mới thay thế chung cư cũ; chỉnh trang, cải tạo hè đường cùng với hạ ngầm hệ thống cáp điện, cáp viễn thông; cải tạo, chỉnh trang các tuyến sống trong khu vực nội đô; xây dựng thêm các khách sạn 5 sao; xây dựng các khu đô thị mới...

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng 6 công viên cấp thành phố với tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.480 tỷ đồng; xây dựng 59 công viên tại 47 phường (bình quân 1-2 công viên/phường) do các quận làm chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng hơn 50ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, quận Hồng Bàng 8 công viên; quận Ngô Quyền 11 công viên; quận Lê Chân 9 công viên; quận Hải An 9 công viên; quận Dương Kinh 6 công viên; quận Kiến An 10 công viên; quận Đồ Sơn 6 công viên. Riêng năm 2021 sẽ xây dựng 21 công viên do các quận làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 13ha, tổng mức đầu tư khoảng gần 500 tỷ đồng, bình quân khoảng gần 23 tỷ đồng/công viên.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ xây dựng 7 khu chung cư bằng nguồn vốn đầu tư công. Trong năm 2021 khởi công xây dựng 3 tòa nhà VM1, VM2, VM3 cao 36 tầng tại phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) với tổng mức đầu tư khoảng 4500 tỷ đồng, hoàn thành trước năm 2023.

Đồng thời, thành phố tiến hành chỉnh trang, cải tạo hè đường, hạ ngầm hệ thống cáp điện, cáp viễn thông. Trong đó, năm 2021 thí điểm chỉnh trang hè đường dải trung tâm thành phố với tổng chiều dài 6,2km, diện tích khoảng 3,2ha, tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Cùng với đó xây dựng và thực hiện Đề án cải tạo, chỉnh trang đối với 218 tuyến đường thuộc các quận, tổng mức đầu tư khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Mỹ Hạnh – Hải Nguyên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kim-chi-nam-cho-su-but-pha-cua-thanh-pho-hai-phong-303918.html