Kim ngạch Việt - Nga mới chiếm chưa tới 1% tổng thương mại mỗi nước

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam Nga chiếm chưa tới 1% tổng thương mại hàng hóa mỗi nước. Do vậy, doanh nghiệp hai nước thời gian tới cần khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ trợ của hai nền kinh tế.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga – Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng, chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá, thương mại hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ ngay sau khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (trong đó Nga là một thành viên) có hiệu lực vào năm 2016.

Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2016 - 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga đã tăng gấp đôi về trị giá, đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng tăng trưởng bình quân 15%/năm.

Tuy nhiên, năm 2022, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã bị ảnh hưởng đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại hai chiều năm 2022 đạt 3,55 tỷ USD, giảm 35,4% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,55 tỷ USD giảm 51,4%; nhập khẩu đạt 1,99 tỷ USD, giảm 13,2%.

Dù vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, thương mại song phương Việt - Nga thời gian gần đây đã bắt đầu phục hồi nhờ sự nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam và Nga cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đánh giá về khoảng trống thương mại giữa hai nước, Thứ trưởng cho biết, hiện kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Nga còn khiêm tốn, chiếm chưa tới 1% kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi nước. Do vậy, doanh nghiệp hai nước cần khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ trợ của hai nền kinh tế.

“Doanh nghiệp 2 nước cần chủ động kết nối, trao đổi thông tin, đồng thời cần nắm rõ nhu cầu của thị trường, tham gia tích cực các chương trình xúc tiến, tìm kiếm ở các hội chợ giao thương...", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định.

Cụ thể, Nga có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực về nghiên cứu khoa học và tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về dệt may, da giày, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng…

Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia thành viên của ASEAN (khu vực có khoảng 600 triệu dân), có 15 FTA với 55 quốc gia. Như vậy, Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ để Nga tiếp cận khu vực và các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất tại khu vực của doanh nghiệp Liên bang Nga.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kim-ngach-viet-nga-moi-chiem-chua-toi-1-tong-thuong-mai-moi-nuoc-post20072.html