Kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng đầu năm 2023

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 1/2023 tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2022. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng 12/2022 và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng 1, theo đại diện Bộ Công Thương, ngoài tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, còn do kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, dẫn tới giá trị đơn hàng giảm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể còn ảm đạm hơn năm 2022, thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc… giảm sức mua. Theo đó, đà giảm xuất khẩu trong tháng 1 thể hiện ở tất cả các nhóm hàng chủ lực, điện thoại giảm 18,6%, máy tính giảm 11,5%, máy móc thiết bị giảm 25,2%, dệt may giảm đến 30,7 %, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 29,8%... so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng đầu năm 2023. (Ảnh minh họa)

Kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng đầu năm 2023. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân thông tin, EU tiếp tục đưa ra biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với rau thơm, trái cây, mỳ ăn liền... với hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường EU.

Theo đó, thanh long và mỳ ăn liền phải có chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam, chịu tần suất kiểm tra 20% tại cửa khẩu. Mặt hàng ớt và đậu bắp có tần suất kiểm tra dư chất bảo vệ thực vật trên mỗi lô hàng là 50% và phải có chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Tương tự với thị trường Mỹ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định trong vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động… của chính quyền liên bang và bang phức tạp đã đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Thực tế cho thấy hiện doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những rào cản thương mại, kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thiếu phương án kinh doanh linh hoạt, dự phòng rủi ro, hiểu biết về pháp luật dẫn đến khả năng cạnh tranh bị hạn chế đã khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách, hay tìm kiếm những thị trường mới… để có đơn hàng sản xuất. Đồng thời cần tận dụng ưu đãi thuế quan mà các hiệp định FTA mang lại từ đó đẩy mạnh xuất khẩu.

Với ngành dệt may, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang việc các FTA có hiệu lực là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Đáng chú ý, từ năm 2023, các loại hàng may mặc thuộc nhóm B3, B5, B7 (áo sơ mi, đồ lót, áo thun, quần, áo jacket…) xuất khẩu vào EU sẽ giảm 2 - 4% thuế xuất khẩu nhờ Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để nhận được những ưu đãi này, phía Việt Nam cũng phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, xuất xứ sản phẩm.

Đồng tình với phân tích này, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh nêu rõ, hiện một số mặt hàng Việt Nam như chè, cà phê và gia vị có thế mạnh tại Canada. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada như Costco, Walmart đã nhập khá nhiều quế Việt Nam với mức tăng 43,3%, nên Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới.

Ngoài ra, thị trường dệt may Canada cũng có nhiều dư địa khi tổng quy mô lên đến 5 - 6 tỷ USD/năm. Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng dệt may tăng 30,1% so với 2021. “Doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác thị trường này qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu”, bà Trần Thu Quỳnh dự báo.

Trong khi đó, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung cho hay, UAE là thị trường đặc thù, sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi ích này để xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông thủy sản, túi xách, vali, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện… bởi đây là những mặt hàng UAE có nhu cầu rất lớn.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp khai thác được những thị trường ngách đòi hỏi hệ thống thương vụ phải chú trọng nắm bắt chủ trương, chính sách mới của nước sở tại, nhất là những rào cản về kỹ thuật để tham mưu cho Bộ Công Thương… có đối sách hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kim-ngach-xuat-khau-giam-trong-thang-dau-nam-2023-152298.html