Kim Tử Long ngồi 'ghế nóng' cuộc thi 'Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023'

Từ TP HCM bay ra Hà Nội để tham dự họp báo, công bố cuộc thi Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023, NSƯT Kim Tử Long đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt

Ngày 28-6, cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023" do Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ VIPTAM tổ chức đã công bố hành trình tìm kiếm tài năng trẻ với 12 dòng nhạc.

Từ trái sang: Tiến sĩ Phạm Trí Thành, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Kim Tử Long trong cuộc họp báo

NSƯT Kim Tử Long phấn khởi cho biết cuộc thi được kỳ vọng sẽ góp phần trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trong thời đại mới thông qua nền tảng số.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trình diễn Dân ca và Bolero Việt Nam 2023", cho biết đây là sân chơi văn hóa nghệ thuật được thực hiện theo đề án M12: "Ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn, phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật Việt Nam" của Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM đã được các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Công An; Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ và cho phép chính là sự khẳng định giá trị, mục đích, ý nghĩa và quy mô của đề án cũng như cuộc thi.

Cuộc thi có quy mô lớn với 12 dòng nhạc dân ca và bolero kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trên phạm vi toàn quốc.

"Cuộc thi có mục đích lan tỏa những giá trị nghệ thuật đầy nhân văn trong đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người hâm mộ âm nhạc tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới và hải đảo, tạo ra một sân chơi văn hóa nghệ thuật lành mạnh, để mọi người xích lại gần nhau, xóa nhòa ranh giới về không gian, thời gian" - Tiến sĩ Phạm Trí Thành bày tỏ.

NSƯT Kim Tử Long lần đầu ngồi ghế nóng cuộc thi dân ca và bolero

Giới chuyên môn nhận định, cuộc thi tạo điểm mới khi kết hợp giữa ứng dụng nền tảng số Vdone và sân khấu truyền thống trong quá trình tổ chức cuộc thi; hứa hẹn tạo sự lan tỏa và tương tác giữa thí sinh và cộng đồng người hâm mộ một cách trực tiếp thông qua nền tảng công nghệ trong quá trình dự thi.

Từ trái sang: NSND Thúy Hường, NSND Trịnh Hồng Lựu, NSND Kiều Oanh và đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt

Theo NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, thành viên Ban giám khảo - phương pháp chấm điểm trên nền tảng số tạo sự minh bạch và công bằng cho các thi sinh.

"Người dự thi có thu nhập được bình chọn bằng vote của người hâm mộ. Bằng chứng tại buổi công bố, 10 thí sinh đã được nhận số tiền thưởng từ sự bình chọn, khen thưởng của công chúng qua phần dự thi của mình" - NSƯT Lê Nguyên Đạt thông tin.

Phương pháp chấm điểm cho thí sinh bao gồm điểm vote trực tiếp trên app Vdone của cộng đồng người hâm mộ, điểm do ban giám khảo và điểm do hội đồng chuyên môn và nhà báo.

Số lượng các dòng nhạc dân ca và bolero của cuộc thi gồm: Dân ca Bắc Bộ, Dân ca Quan họ, Sân khấu Chèo, Dân ca Trung Bộ, Sân khấu dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Sân khấu dân ca Huế - Bình Trị Thiên, Sân khấu dân ca Bài chòi, Dân ca Tây Nguyên, Sân khấu dân ca Khmer; Dân ca Nam Bộ, Nghệ thuật sân khấu Cải lương, Bolero.

Một thí sinh dự thi thể hiện ca khúc bằng hình thức trục tuyến rất sinh động

Thành phần giám khảo trực tiếp, trực truyến và hội đồng chuyên môn, nhà báo đều là những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật nước nhà như: NSND Thu Hiền, NSND Trịnh Hồng Lực, NSND Nguyễn Thị Bích Loan, NSND Thúy Hường, NSND Kiều Oanh, NSƯT Kim Tử Long, NSND Vũ Thúy Ngần, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Tạ Dương, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Nhà báo - soạn giả Mai Văn Lạng…

Thanh Hiệp (ảnh BTC)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/kim-tu-long-ngoi-ghe-nong-cuoc-thi-tai-nang-dan-ca-va-bolero-viet-nam-2023-2023062904102165.htm