King of Rap 2020 đã phá vỡ những 'quy tắc ngầm' nào trong âm nhạc?

Tại King of Rap, có nhiều hơn những 'chân trời mới' về thế giới rap...

Đầu tháng 8, King of Rap 2020 chính thức đổ bộ làng TV Show Việt Nam và nhanh chóng trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. Không chỉ là một sân chơi tuyệt vời dành cho các rapper, mà King of Rap còn là chương trình mang đến những trải nghiệm hiếm có khó tìm, phá vỡ những "quy tắc ngầm" về định nghĩa rap.

Không có bất kỳ tài liệu hay sách vở nào quy định, nhưng từ lâu khán giả đã có những suy nghĩ bền chắt về ngoại hình, phong cách của một rapper. Đa số đều cho rằng: "Rapper là những người có ngoại hình cá tính, gai góc, thậm chí phải bặm trợn...". Không trách được quan niệm này, bởi từ xưa đến nay đa số các rapper trên thế giới đều xây dựng hình ảnh đúng như những gì mà người ta suy nghĩ. Lâu dần, những tư duy này đã vô hình tạo thành một "quy tắc ảo" mà khi nhắc về chữ rapper, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh này nhiều nhất.

Thế nhưng khi King of Rap lên sóng, khán giả lại ngỡ ngàng trước những HIEUTHUHAI, Pháo, Lona, Nhật Hoàng, TBOSS,... Bởi những thí sinh này đều quá nổi bật về ngoại hình. Không ai nghĩ một rapper lại có thể chưng diện mướt mát từ đầu tới cuối như HIEUTHUHAI, hay "lộng lẫy khác gì loài công" như Lona, thư sinh điềm đạm như Nhật Hoàng hay đậm chất "cool girl" như Pháo.

Chưa bao giờ, một đấu trường về rap lại xuất hiện quá nhiều thí sinh với phong thái chỉn chu, chăm chút ngoại hình đến vậy. Đây không đơn thuần chỉ là 2 chữ "chưng diện", mà còn là sự tôn trọng các thí sinh dành khán giả.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến Chị Cả - Một "ca lạ" của King of Rap năm nay. Chị Cả không xù xì gai góc, cũng không lung linh xinh đẹp, nhưng sự lạ lùng có chút creepy trong hình ảnh phi giới tính của nam rapper này đã trở thành một điểm độc đáo trong vô vàn các thí sinh. Chị Cả không cần rần rần, không ồ ạt trên sân khấu, nhưng sự điềm tĩnh có tính toán từ phong thái đã khẳng định được hiệu quả không ngờ.

Chính điều này đã khiến khán giả có cái nhìn rộng mở hơn về những đối tượng được đặt vào định nghĩa rapper. Không còn là những con người với vẻ ngoài gai góc, cá biệt, mà bây giờ "trai xinh gái đẹp" hay thậm chí "quái dị" cũng hoàn toàn có thể tự tin tỏa sáng trên sân khấu King of Rap nói riêng và làng rap nói chung.

Nhiều năm về trước, làng nhạc Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều từ US-UK và KPop. Đây vừa là sự tiếp cận, học hỏi nhưng đồng thời cũng là rào cản cho sự phát triển đặc trưng riêng của âm nhạc Việt Nam.

Ngay từ vòng audition, Quân (R.E.V) và Danh Ca Thường là 2 cái tên nổi bật khi mang những nét văn hóa dân tộc vào phần thi. Nếu Quân khiến người nghe nổi gai ốc khi kết hợp bộ môn ca trù vào bản rap thì Danh Ca Thường lại mang đến những nét văn hóa dễ thương của dân tộc vùng cao để đưa vào tiết mục.

Sâu vào những vòng tiếp theo, chúng ta lại có TBOSS với tiết mục rap kết hợp hát Hầu đồng, Nhật Hoàng bùng nổ với sân khấu lấy ý tưởng từ tác phẩm nổi tiếng Bánh trôi nước, Pháo hóa thân Táo quân khi rap về thực trạng xã hội, Chị Cả và Color thậm chí còn kết hợp "bắn rap" với cải lương,...

Điểm chung của tất cả những tiết mục này chính là việc các thí sinh đã mạnh dạn khai thác nguồn chất liệu dồi dào của văn hóa dân tộc. Có thể chưa cần bàn đến độ viral hay thành công, nhưng không thể phủ nhận tư duy của các thí sinh King of Rap rất văn minh. Bởi giữa thời đại các nghệ sĩ trẻ bị ảnh hưởng quá nhiều từ nền nghệ thuật thế giới, nhưng những ngôi sao trẻ này vẫn quyết tâm đi ngược "một chút" khi giữ được đặc trưng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh sự thành công của các tiết mục này phải kể đến công lao to lớn của đội ngũ kỹ thuật âm thanh chương trình - Đặc biệt Giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh. Với bề dày kinh nghiệm thuộc hàng lão làng trong Vpop, bất cứ một ý tưởng nào sau khi qua tay nam nhạc sĩ này đều trở nên đẳng cấp và có chiều sâu, hoàn toàn không bị sa đà vào sự "tham lam" dẫn đến sự "mệt tai" trong bản phối.

Battle Rap - Một trong những đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về rap. Tuy nhiên, đây là "bộ môn" chỉ xuất hiện trong các chương trình riêng dành cho Underground và rất hiếm khi được mang lên sóng truyền hình vì nhiều hạn chế. Cụ thể, trong battle rap sẽ xuất hiện khá nhiều câu chữ diss mang ý nghĩa công kích, thậm chí dung tục, chính điều này gây cản trở khá nhiều nếu như muốn mang những sân khấu battle lên truyền hình - Phương tiện tiếp cận gần như toàn bộ người dân trên một quốc gia.

Nhưng King of Rap đã làm được, thậm chí còn mang battle rap lên sóng truyền hình quốc gia Việt Nam là VTV. Đây không phải là một hành trình dễ dàng, bởi đội ngũ sản xuất chương trình đã phải sàng lọc hàng tá những quy định, điều lệ để chương trình có thể lên sóng một cách ổn áp nhưng vẫn phải giữ được đặc trưng của batlle.

Bên cạnh đó, cũng phải dành lời khen cho các thí sinh của chương trình khi đã chịu tiết chế cái tôi để có thể phù hợp khi xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia. Đó chính là lý do vì sao một số khán giả cảm thấy khó hiểu khi tiết mục của thí sinh tại chương trình lại có nhiều đoạn bị thay thế hoặc bốc hơi so với bản gốc của các thí sinh.

Tại vòng sample, trước khi lên sàn, mỗi cặp đấu sẽ có một khoảng thời gian nhất định để giao lưu "sương sương" với nhau. Tuy nhiên, không khó để nhận ra sẽ không có bất kỳ câu diss nào, bởi các thí sinh đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ để công kích đối phương một cách văn minh và "chanh sả".

Một lần nữa, King of Rap lại cho khán giả một chân trời mới, đâu phải cứ battle rap là phải sử dụng câu từ dung tục, tiêu cực?

Underground và Mainstream có thể nói là hai quan niệm gây khá nhiều tranh cãi từ xưa đến nay. Hiểu đơn giản, Mainstream dùng để chỉ trường phái nghệ sĩ hoạt động có đầu tư, chiến lược về quảng bá, còn Underground lại dùng để nói về những nghệ sĩ hoạt động "ngầm". Từng có không ít những ồn ào liên quan đến việc nghệ sĩ Underground kết hợp Mainstream, dẫn đến những bàn luận về câu chuyện "mất chất".

Đưa Mainstream và Underground lên một bàn chắc chắn là câu chuyện không hề dễ, bởi đây là 2 trường phái hoàn toàn đối lập nhau về tư duy, âm nhạc và hình ảnh. Underground không có bất kỳ một khuôn khổ hay giới hạn nào, trong khi Mainstream vì đi theo hướng chính thống nên sẽ gặp khá nhiều những điều luật để phù hợp khi sản phẩm ra mắt. Chính vì những tính chất quá khác biệt mà khán giả vẫn chưa thật sự mặn mà khi nghệ sĩ của 2 thế giới này kết hợp với nhau.

Nhưng tại King of Rap, đó đã không còn là điều khiến khán giả cảm thấy khuất tất. Bằng chứng là những sân khấu như Mượn rượu tỏ tình (Emily - HIEUTHUHAI - RIGHT), Em không sai chúng ta sai (Erik - Tuimi - VSOUL), Mặt trăng (Bùi Lan Hương - ICD - GTM),... đã thật sự chứng minh được nghệ sĩ Undeground hoàn toàn có thể kết hợp một cách ngon ơ với Mainstream.

Điều này xuất phát từ việc 2 bên đã "chơi đẹp" với nhau, sẵn sàng tiết chế để có thể cân bằng được đất diễn giữa thí sinh và ca sĩ hỗ trợ. Bởi không phải tự nhiên mà trong tập phát sóng gần đây, khán giả lại ỉ ôi: "Ai bị loại cũng cảm thấy tiếc".

King of Rap 2020 đã đi được hơn nửa chặng đường, đã gần hoàn thành sứ mệnh khai sáng các tài năng rapper trẻ. Tạm gạc qua những tranh cãi (có lý và vô lý), thì đây chắc chắn là một chương trình đã mạnh dạn đào sâu hơn, cặn kẽ hơn những gì người ta biết về thế giới rap - Nơi có hàng trăm hàng nghìn con người chuẩn bị thắp sáng bầu trời rap Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong tương lai.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/king-of-rap-2020-da-pha-vo-nhung-quy-tac-ngam-nao-trong-am-nhac-20201014112059541.html