Kinh doanh bết bát, Vinachem 'cầu cứu'

Mong muốn bù đắp được kết quả kinh doanh bết bát, Vinachem đã 'cầu cứu' cơ quan chức năng, nhưng có vẻ như mong muốn ấy khó thành sự thật.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là một trong các doanh nghiệp Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn như lỗ nặng, tài sản giảm. Đứng trước thách thức đó, Vinachem đã “cầu cứu” cơ quan chức năng. Thế nhưng, quan điểm của một số lãnh đạo cũng như chuyên gia kinh tế đã cho thấy nhiều khả năng Vinachem sẽ kêu cứu bất thành.

Vinachem có thể “cầu cứu” bất thành.

Kinh doanh bết bát

Là tập đoàn Nhà nước có số vốn khủng lên đến 11.885 tỷ đồng thế nhưng Vinachem lại ngập chìm trong thua lỗ. Hai “quả đấm thép” mang về những khoản thua lỗ “trứ danh” của Vinachem là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Tuy nhiên, chưa cần tính đến những “cục nợ” này, công ty mẹ của Vinachem vẫn lao đao.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vinachem chỉ đạt 70,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với 120 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Những khoản lãi rất khiêm tốn này không bù đắp nổi tình hình bết bát kéo dài trong nhiều năm của Vinachem.

Tại thời điểm 30/6/2018, công ty mẹ Vinachem phải gánh chịu khoản lỗ lũy kế lên đến 802,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, khoản thua lỗ đã lên tới 872,8 tỷ đồng. Kết quả là, tổng tài sản và nguồn vốn của Vinachem đang trên đà sụt giảm. Hiện tại, tài sản của Vinachem giảm từ 20.798 tỷ đồng xuống chỉ còn 20.584 tỷ đồng.

Bi đát hơn, Vinachem đang phải loay hoay giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng. Một trong số đó là đầu tư kém hiệu quả. Hàng loạt công ty con và công ty liên kết của Vinachem thua lỗ nên tập đoàn phải dành 5.208 tỷ đồng cho dự phòng đầu tư tài chính dài hạn.

Để cải thiện hoạt động kinh doanh bết bát, Vinachem đã xin tăng thuế nhập khẩu phân đạm, từ đó giá thành phân đạm của Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, tạo điều kiện cho tập đoàn xử lý các doanh nghiệp yếu kém.

Đạm Hà Bắc, một trong các “cục nợ” của Vinachem.

“Cầu cứu” bất thành?

Thế nhưng, trong một tọa đàm về doanh nghiệp Nhà nước mới được tổ chức, các quan chức và chuyên gia kinh tế hoặc đưa ra quan điểm trung lập, hoặc phản đối mạnh mẽ.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Tôi cho rằng kiến nghị cần được xem xét. Trước tiên, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá tác động của đề xuất này nếu đáp ứng đề nghị của Tập đoàn Hóa chất và kiến nghị sang Quốc hội để Quốc hội xem xét sửa đổi luật thuế”.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nói thêm, doanh nghiệp Nhà nước thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có nhiều nội dung đề cao tính thị trường.

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng cần phải rà soát kỹ kiến nghị này của Vinachem, nếu không sẽ không công bằng với các doanh nghiệp khác.

Điều căn cơ nhất là Vinachem phải soi lại mình, có gì cần sửa thì phải sửa và cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Theo ông Tiến, chính sách phải theo thị trường, không cạnh tranh được thì lùi lại giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp khác phát triển.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gay gắt khi nêu câu hỏi: “Doanh nghiệp Nhà nước phải tuân theo các luật doanh nghiệp, tại sao lại còn đề xuất như thế?”. Ông Hồ cũng góp ý cần chấm dứt cơ chế xin cho: “Tất nhiên khó nói nhưng cơ chế ‘‘xin cho’’ phải dứt khoát chấm dứt, xin cho không minh bạch gây ra tiêu cực, tham nhũng nên tôi đồng ý với ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là kiên quyết tự chịu trách nhiệm, khắc phục yếu kém”.

Vy Vy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/kinh-doanh-bet-bat-vinachem-cau-cuu-d70640.html