Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Siết quản lý chứ không nên cấm

Trong quá trình sửa đổi Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến định hướng quản lý nhà nước. Trên thực tế, đây là loại hình kinh doanh nhạy cảm, rất dễ biến tướng trở thành việc hợp thức hóa các hoạt động mang tính chất xã hội đen. Hành vi đòi nợ bằng bạo lực, đe dọa và khủng bố tinh thần người mang nợ đi ngược lại với các tiêu chí của một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật, do đó cần bị loại bỏ triệt để khỏi đời sống xã hội.

Phần lớn các nhân viên thu hồi nợ hiện nay là các đối tượng tiền án, tiền sự, là các “đầu gấu” có xu hướng manh động, hành động thiếu cân nhắc và kiềm chế trong khi bản thân thiếu các kiến thức pháp luật và tài chính cần thiết. Ảnh: THÀNH HOA.

Tuy nhiên, cấm hẳn kinh doanh loại hình dịch vụ này không phải là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi bạo lực, tội phạm. Trong khi đó, nó có thể gây khó khăn cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính.

Dịch vụ đòi nợ có cần thiết?

Trước hết, hoạt động đòi nợ mang tính tất yếu trong nền kinh tế. Trong quan hệ tín dụng, người cho vay luôn thường xuyên gặp phải các vấn đề trong việc thu hồi nợ, xuất phát từ sự chây ỳ và thiếu hợp tác của người vay. Không có giải pháp đòi nợ hiệu quả, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động và cung ứng dịch vụ tài chính đến khách hàng. Việc thưa kiện người vay ra tòa để thu hồi nợ tiêu tốn của bên cho vay nhiều chi phí về pháp lý, nhân sự và thời gian. Đây sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng được các TCTD và các bên cho vay khác lựa chọn khi các biện pháp đòi nợ thất bại.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một thái cực khác, không giải quyết được đòi hỏi của nền kinh tế trong việc hình thành các tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp, có năng lực tài chính và chuyên môn để hoạt động trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Hoạt động đòi nợ có thể được thực hiện bởi chính người cho vay hoặc thông qua một bên thứ ba, là các công ty đòi nợ. Trước đây, khi chưa có khung pháp lý về thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ, các TCTD tự thực hiện việc này thông qua bộ máy nội bộ của mình. Các tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp có thể giúp việc thu nợ trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm về mặt chi phí và tránh các rủi ro pháp lý với người cho vay. Điều này là điều kiện để thúc đẩy các dịch vụ cho vay phát triển, giảm chi phí cho vay.

Việc đòi nợ không nhất thiết phải bằng các hành vi bạo lực và khủng bố tinh thần. Các tổ chức thu hồi nợ chuyên nghiệp trên thực tế tồn tại ở hầu hết các quốc gia phát triển. Họ có thể tư vấn và cùng người vay thiết lập kế hoạch trả nợ khả thi. Họ cũng có thể tiến hành đàm phán với người vay về việc ân hạn và giảm một phần nợ vay tùy theo năng lực tài chính của khách hàng. Với các tổ chức đòi nợ có năng lực tài chính, họ có thể mua lại các khoản nợ xấu từ các tổ chức cho vay và tiến hành thu hồi. Hoạt động của các tổ chức này dựa trên khả năng thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu để đánh giá năng lực tài chính thực sự của người vay để có các thỏa thuận phù hợp.

Tuy nhiên, chắc chắn đòi nợ là một dịch vụ nhạy cảm và cần được quản lý chặt chẽ ở mọi nền kinh tế. Có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới những đạo luật riêng, chặt chẽ để kiểm soát loại hình dịch vụ này.

Quản lý dịch vụ đòi nợ

Trên thực tế, hành vi đòi nợ mang tính chất côn đồ, bạo lực có thể diễn ra ngay cả ở các TCTD, không nhất thiết là ở các công ty đòi nợ. Do đó, vấn đề quan trọng không phải là cấm các tổ chức được kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà là quy định và giám sát chặt chẽ các biện pháp đòi nợ không được phép thực hiện.

Nghị định số 104/2007/NĐ-CP và cả trong dự thảo nghị định sửa đổi mới đây của Bộ Tài chính đều quy định rất lỏng lẻo về giới hạn các biện pháp đòi nợ được thực hiện. Đây thực chất mới là nguyên nhân khiến dịch vụ đòi nợ biến tướng, xã hội đen hóa hoạt động đòi nợ ngay cả của các TCTD, cũng như hợp pháp hóa hoạt động của các tổ chức xã hội đen.

Trước hết, quản lý dịch vụ đòi nợ không phải là hợp pháp hóa hoạt động đòi nợ xã hội đen. Việc áp dụng các tiêu chí về học vấn, đạo đức cho nhân viên thu hồi nợ cần được áp dụng, đi đôi với việc đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Phần lớn các nhân viên thu hồi nợ hiện nay là các đối tượng tiền án, tiền sự, là các “đầu gấu” có xu hướng manh động, hành động thiếu cân nhắc và kiềm chế trong khi bản thân thiếu các kiến thức pháp luật và tài chính cần thiết. Một xã hội văn minh không thể chấp nhận các hoạt động đòi nợ bạo lực của nhóm đối tượng này và hệ quả của nó gây ra cho tính mạng, sức khỏe hay danh dự của người mang nợ và người thân của họ. Việc thả lỏng quy định về phẩm chất của đối tượng được phép hành nghề có thể dẫn đến sự dung dưỡng cho các đối tượng xã hội đen được hoạt động công khai. Những tiêu chuẩn hành nghề nghiêm ngặt cần được đặt ra để đảm bảo hoạt động đòi nợ không bị biến tướng.

Quy định về mức vốn hoạt động là cần thiết cho loại hình hoạt động này, đảm bảo doanh nghiệp có khả năng khắc phục những hậu quả nếu xảy ra trong quá trình hoạt động. Quy định vốn điều lệ tối thiểu ở mức 2 tỉ đồng như hiện nay là chưa hợp lý so với những rủi ro và hậu quả của việc đòi nợ có thể gây ra. Đây là ngành đặc thù dễ vướng phải các khiếu kiện, sai phạm về pháp lý. Doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này cần có đủ năng lực tài chính để thực hiện trách nhiệm dân sự trong các trường hợp đó.

Cần quy định rõ ràng về các hoạt động đòi nợ không được phép thực hiện, bao gồm thời gian và hình thức được phép liên lạc với người nợ. Luật pháp cần quy định cụ thể các vấn đề mang tính kỹ thuật như khung thời gian trong ngày được phép thực hiện các cuộc gọi đến người nợ; điều kiện để người thu nợ được phép liên lạc với nơi làm việc hay thân nhân người nợ; ngôn ngữ và quy tắc giao tiếp của nhân viên thu nợ... đi kèm các chế tài xử phạt.

Việc buông lỏng quản lý hoạt động đòi nợ, cả của các TCTD và công ty đòi nợ, như hiện nay đang và sẽ làm tăng bạo lực và tội phạm. Nó cũng tạo ra một cơ chế khuyến khích ngược nguy hiểm cho nền kinh tế khi các TCTD cho vay tràn lan và thu nợ dựa trên bạo lực, thay vì đánh giá chặt chẽ khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn của người vay.

Phạm Văn Đại

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/279601/kinh-doanh-dich-vu-doi-no-siet-quan-ly-chu-khong-nen-cam.html