Kinh doanh gặp khó, Vinacontrol vẫn báo lãi vượt 8% kế hoạch

Mặc dù doanh thu một số mặt hàng/dịch vụ giảm mạnh so với năm 2016 như dệt may, sắt thép nhưng kết thúc năm tài chính 2017, Vinacontrol vẫn vượt 4% doanh thu và 8% lợi nhuận trên kế hoạch đã đề ra.

(Từ phải qua trái, ông Mai Tiến Dũng – Tổng Giám đốc, ông Bùi Duy Chinh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phan Văn Hùng – Phó tổng Giám đốc Vinacontrol)

Sáng ngày 09/04/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (Vinacontrol) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 và bầu Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2018-2023. Dựa trên báo cáo đã kiểm toán của các năm, Nhiệm kỳ 2013-2018 được đánh giá là một nhiệm kỳ thành công của HĐQT và BKS khi giúp Vinacontrol có những sự tăng trưởng doanh thu lần lượt 13,9%; 22,1%; 20,4%; 13,6% và 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc năm tài chính 2017, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 518,78 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 43,51 tỷ đồng, vượt 4% doanh thu và 8% lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh năm 2017. Chỉ số ROE và ROA tăng lên mức cao và ổn định lần lượt là 17,06% và 10,54%. Thực hiện trả cổ tức 17%, trong đó đã tạm ứng đợt 1 là 7%.

Xét về cơ cấu doanh thu, các mặt hàng/dịch vụ chủ lực của Vinacontrol năm 2017 đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là một số mặt hàng như hạt điều (chiếm 13% tổng doanh thu giám định), dây chuyền sản xuất và máy móc thiết bị (12%), gỗ và dăm gỗ (9%), than (8%), sắt thép các loại (5%), v.v…

Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2017 là một năm đặc biệt khó khăn đối với Vinacontrol. Trong 06 tháng đầu năm các đơn vị đều không đạt được 50% doanh thu kết hoạch. Đến hết quý 3/2017, duy nhất VNC Hồ Chí Minh đạt khoảng 80% doanh thu được giao, các đơn vị còn lại đều gặp khó khăn trong việc hoàn thành doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu nhóm mặt hàng/dịch vụ phục vụ quản lý nhà nước (QLNN), thế mạnh của Vinacontrol, tiếp tục giảm, doanh thu năm 2017 của nhóm này đạt 97,4 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2016 do sự điều chỉnh của chính sách vĩ mô của cơ quan QLNN.

Theo ông Bùi Duy Chinh - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, năm 2017, doanh thu của Vinacontrol đối với một số mặt hàng/dịch vụ mà công ty đang thực hiện giám định đã có những tổn thất lớn do thay đổi trong chính sách QLNN. Đầu tiên là mặt hàng dệt may, với việc thay thế Thông tư 37/2015/TT-BCT bằng Thông tư 23/2016/TT-BCT đã khiến doanh thu năm 2017 về 0 trong khi đó năm 2016, doanh thu mặt hàng dệt may gần 20 tỷ đồng, đóng góp khoảng 20% doanh thu các mặt hàng/dịch vụ QLNN. Tiếp theo là mặt hàng sắt thép, doanh thu năm 2017 chỉ bằng 52% so với năm 2016 đạt 8,4 tỷ đồng, dự kiến sang năm 2018, con số này sẽ bằng 0.

Tiếp theo là mặt hàng sắt thép, doanh thu năm 2017 chỉ bằng 52% so với năm 2016 đạt 8,4 tỷ đồng, dự kiến sang năm 2018, con số này có thể còn giảm mạnh. Lý giải về điều này, Ban giám đốc Vinacontrol cho biết, năm 2018 Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TT-BCT-BKHNCN quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2017.

Đấu thầu các dự án trọng điểm là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh năm 2017 của Vinacontrol.

Một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh năm 2017 của Vinacontrol là hoạt động đấu thầu các dự án trọng điểm. Tỷ lệ đấu thầu thành công là khoảng 86%, các dự án đã tham gia bằng 135% về lượng và giá trị các dự án trúng thầu bằng 159% so với cùng kỳ.

Năm 2017, lãi cơ bản trên cổ phiếu tiếp tục được duy trì ở mức ổn định. Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 là 7%. Sang năm 2018, Vinacontrol phấn đấu doanh thu và lợi nhuận vượt cùng kỳ năm trước từ 5-7%.

Về định hướng hoạt động cho năm 2018, ông Bùi Duy Chinh cho biết, "Năm 2018 là năm bản lề thay đổi cách mạng 4.0, làm thế nào chúng ta nắm bắt và hạn chế tối đa tác động không mong muốn của cuộc cách mạng, đó là yêu cầu cần thiết. Năm vừa rồi, Vinacontrol đã triển khai hệ thống quản trị phần mềm, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động của công ty".

Vinacontrol sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng các thiết bị, công nghệ mới hiện đại vào trong công tác quản lý cũng như các hoạt động, phân tích, thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận... để tận dụng các tiện ích của thiết bị, công nghệ do cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Dự kiến tới quý 3/2018, Vinacontrol sẽ áp dụng hiệu quả việc sử dụng phần mềm quản lý Vinacontrol, đồng thời đưa vào vào hoạt động Trung tâm Phân tích và Thử nghiệm 1 - Vinacontrol mới rộng hơn 2.000 m2 tại KCN Ninh Hiệp - Bắc Ninh.

Ngoài những mục tiêu cụ thể trong năm 2018, HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2023, với những gương mặt mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa Vinacontrol phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt.

Giá cổ phiếu VNC của Vinacontrol ngày hôm nay đang giao dịch ở mức 43.700 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất trong 3 tháng qua của VNC. So với đầu năm, VNC có giá 41.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNC đã tăng 6,58% giá trị.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kinh-doanh-gap-kho-vinacontrol-van-bao-lai-vuot-4-phan-tram-ke-hoach-127381.html