Kinh doanh khởi sắc, Chủ tịch Mía đường Lam Sơn chi hơn 27 tỷ đồng gom cổ phiếu

Từ kết quả kinh doanh khởi sắc, ông Lê Văn Tân, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu LSS của doanh nghiệp này, thời gian từ ngày 5/9 đến 4/10.

CTCP Mía đường Lam Sơn mới công bố kết quả kinh doanh niên độ 2021 – 2022 (1/7/2021 – 30/6/2022) với hơn 2.041 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với niên độ trước.

Giá bán tăng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng cung cấp dịch vụ của LSS tăng 28,9%, đạt 211 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 95,5% so với cùng kỳ lên 44,7 tỷ đồng.

Doanh thu năm nay tăng 4,34%, đồng thời giá vốn tăng 1,20% so với cùng kỳ năm trước, tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu niên vụ 2021/2022 đạt 10,72%, tăng 34,68% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ niên vụ này tăng 40,50% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Mía đường (VSSA), mặc dù từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao trong vòng 5 năm qua (giá đường tại các nhà máy ở dao động 17.250 - 17.700 đồng/kg). Nhờ đó, doanh nghiệp ngành đường trong niên vụ 2021- 2022 đã khởi sắc trở lại.

Từ kết quả kinh doanh khởi sắc đó, ông Lê Văn Tân, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã chứng khoán: LSS) đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu LSS từ ngày 5/9 đến 4/10.

Chiếu theo thị giá của LSS kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8 là 10.900 đồng/cp, ước tính ông Tân cần chi 27,2 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Tân tại doanh nghiệp sẽ tăng từ 1,3% vốn điều lệ, tương ứng 916.080 cổ phiếu lên 4,8% vốn điều lệ, tương ứng 3,4 triệu đơn vị.

Kỳ vọng giá đường tăng 10% trong nửa cuối năm 2022

Theo Báo cáo ngành đường, công bố ngày 21/7/2022, niên vụ 2020 - 2021 là niên vụ có sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua. Trong số 41 nhà máy thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động. Tại một số địa phương, người dân bỏ mía, không chăm, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm.

Nguyên nhân, ngoài yếu tố thời tiết thì do giá đường các vụ trước đó xuống thấp vì sự cạnh tranh quyết liệt của đường giá rẻ từ Thái Lan và đường nhập lậu, gian lận thương mại.

Cùng quan điểm, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định giá đường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại và đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả, giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Ngược lại, nếu việc kiểm soát đường nhập lậu không hiệu quả, giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

VSSA kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới. Theo đó, giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kinh-doanh-khoi-sac-chu-tich-mia-duong-lam-son-chi-hon-27-ty-dong-gom-co-phieu-post10704.html