Kinh doanh liêm chính: Không thể từ một phía

Liêm chính trong kinh doanh được coi là yếu tố cốt lõi để tạo môi trường kinh doanh bền vững. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn nhiều gian dối, thiếu minh bạch trong kinh doanh, gây rủi ro trong thu hút đầu tư.

Doanh nghiệp vẫn phải trả các khoản phí không chính thức

Báo cáo "Liêm chính kinh doanh trong các khu công nghệ cao ở Việt Nam" được công bố mới đây tại Hà Nội cho thấy, dựa trên 34 cuộc phỏng vấn với đại diện cấp cao của các DN và ban quản lý trong 3 khu công nghệ cao (CNC) là Hòa Lạc, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, có 1/3 DN coi tham nhũng là một trong ba rủi ro lớn nhất, 2/3 DN còn lại cho rằng, tham nhũng là vấn đề quan trọng dù không nằm trong mối quan ngại hàng đầu của họ. Có đến 50% số DN tham gia khảo sát đồng ý với nhận định "các công chức nhà nước thường sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các DN".

Kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện thâm nhập thị trường quốc tế

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hối lộ vẫn xảy ra phổ biến trong hoạt động mua sắm của nhà nước. Mặc dù chỉ có 4 DN được phỏng vấn có tham gia hoạt động mua sắm của nhà nước, song 3 DN thừa nhận đưa hối lộ để giành được hợp đồng từ cơ quan nhà nước.

Trong số các cơ quan nhà nước, cơ quan thuế và hải quan được DN đề cập nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt là 35% và 32% khi phàn nàn về việc phải chi trả các khoản phí không chính thức.

Xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh

Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) - cho biết, thực tiễn kinh doanh của nhiều DN đã chỉ ra, việc kinh doanh đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các bên liên quan như nhà đầu tư hay khách hàng. Một số DN sau khi từ chối đưa hối lộ lại nhận được sự tôn trọng hơn từ đối tác và các giao dịch lần sau trở nên suôn sẻ hơn. Ngoài ra, kinh doanh liêm chính còn giúp DN giảm chi phí, tạo điều kiện để DN thâm nhập thị trường quốc tế.

Nhận thức rõ tính liêm chính sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo, nâng cao năng suất cho DN, năm 2014, trong phạm vi dự án Hành động tập thể - một chương trình liêm chính kinh doanh đã được Tổ chức TT và Ban quản lý khu CNC TP. Hồ Chí Minh cùng xây dựng và phát triển. Đến nay, chương trình đã trở thành diễn đàn mở cho các công ty công khai đưa ra cam kết của họ trong kinh doanh liêm chính.

Sau thành công này, tháng 9/2016, 3 khu CNC: Hòa Lạc, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã ký Biên bản ghi nhớ, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh để thúc đẩy và thu hút đầu tư.

Theo bà Lê Bích Loan - Phó trưởng ban quản lý Khu CNC TP. Hồ Chí Minh - để xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh, cần xây dựng văn hóa liêm chính cho ban quản lý. Tán đồng quan điểm bà Loan, nhiều chuyên gia cho hay, tham nhũng là dấu hiệu của sự yếu kém trong quản trị. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần bảo đảm hiệu lực thi hành của các quy định pháp luật và chế tài xử phạt; các DN phải thúc đẩy văn hóa chống hối lộ trong nội bộ DN…

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc Tổ chức TT: DN cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính. Các công ty hoạt động trong môi trường kinh doanh liêm chính có thể phòng tránh hoặc hạn chế tham gia vào các hành vi hối lộ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/kinh-doanh-liem-chinh-khong-the-tu-mot-phia-107788.html