Kinh doanh nước sạch: Đại biểu Quốc hội đề nghị 'ngăn chặn những chuyển nhượng tác động đến an ninh quốc gia'

'Nếu là vấn đề an ninh chúng ta cần phải cảnh giác và đề phòng những quốc gia có ý đồ xấu hay những thế lực khủng bố có ý đồ xấu nắm cái đó' - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói về an ninh nguồn nước trong các tình huống doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần.

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Sau khi ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị điều kiện kinh doanh nước sạch phải được đưa vào dự thảo Luật thì ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, ông “không phản đối việc cho tư nhân tham gia vào sản xuất và kinh doanh nước sạch” và cũng “không đề xuất phải cấm việc chuyển nhượng vốn.”

“Chúng tôi chỉ muốn nói, nước sạch trong một số tình huống, nhất là đối với các đô thị lớn, nó trở thành một vấn đề an ninh. Ở một số quốc gia khi nó là vấn đề an ninh người ta sẽ thiết kế luật để có những ngăn chặn những giao dịch chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia” – ĐB Trương Trọng Nghĩa giải thích.

Theo ĐB đoàn TP. Hồ Chí Minh, “những nước giàu hơn chúng ta, mạnh hơn chúng ta họ có những công cụ ấy thì chúng ta cũng nên suy nghĩ để thiết kế những công cụ đó.”

“Tôi ví dụ, một nhà máy nước của chúng ta cung cấp cho mấy triệu dân nhưng chúng ta có biết ai làm chủ nó không? Nếu theo luật hiện nay, một nhà đầu tư nước ngoài người ta làm chủ 30%, hiện nay hình như người ta có thể làm chủ đến 50-60%, nhưng người ta chuyển nhượng là A chuyển nhượng cho anh B, anh B chuyển nhượng cho anh C, khi chúng ta tìm xem nhà đầu tư thì đó là một công ty đăng ký ở đảo British Virgin Island là thiên đường thuế, nó là một công ty có khi vốn của nó chỉ có 5.000-10.000 đô thôi, bởi vì đây là vốn điều lệ. Cho nên chúng ta không biết người chủ thực sự là ai, nhưng nếu là vấn đề an ninh chúng ta cần phải cảnh giác và đề phòng những quốc gia có ý đồ xấu hay những thế lực khủng bố có ý đồ xấu nắm cái đó để gây ra những hành vi phạm pháp” – Ông Trương Trọng Nghĩa phân tích.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: chúng ta cần phải cảnh giác và đề phòng những quốc gia có ý đồ xấu hay những thế lực khủng bố có ý đồ xấu nắm cái đó để gây ra những hành vi phạm pháp

Tránh tình trạng doanh nghiệp "tay không bắt giặc"

Cũng quan tâm đến dự án nước sạch, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã đưa dự án nhà máy nước Sông Đuống ra làm một ví dụ để phân tích.

Theo đó, liên quan việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án đầu tư, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Luật phải có thủ tục để kiểm soát, tránh tình trạng các doanh nghiệp "tay không bắt giặc", hay “các dự án lòng vòng”.

Đặc biệt, tán thành ý kiến một số các đại biểu nói đến nước sạch, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết sáng hôm nay (20/11), ông nhận được thông tin đã có 5 nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống.

“Chúng ta xem nhà đầu tư thực sự có phải để làm dự án kinh doanh phục vụ cho nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không, hay chỉ để thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt rủi ro có thể đến với nhân dân hay không” – ông Nhưỡng đặt vấn đề.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại một số vấn đề liên quan đến danh mục đầu tư, danh mục đầu tư có điều kiện.

“Ví dụ, kinh doanh về nghĩa trang, bảo quản hài cốt, những vấn đề có liên quan đến tâm linh, liên quan đến tổ chức sự kiện cưới xin, ma chay, những vấn đề đó chúng ta nghiên cứu xem có đưa vào kinh doanh có điều kiện hay không. Bởi vì xã hội đang ngày càng phát triển và nhu cầu của xã hội càng ngày càng nhiều, có những vấn đề mà chúng ta cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ hơn” – ông Nhưỡng đề nghị.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Luật phải có thủ tục để kiểm soát, tránh tình trạng các doanh nghiệp "tay không bắt giặc", hay “các dự án lòng vòng.”

Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, “sẽ xin tiếp thu và sẽ tổ chức nghiên cứu để có báo cáo lại với Quốc hội xem những ngành, nghề nào chúng ta đưa vào kinh doanh có điều kiện, những ngành, nghề nào chúng ta phải cấm.”

Bộ trưởng cũng nêu rõ, các ngành, nghề cấm hay ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì dựa trên bốn nguyên tắc, tiêu chí như sau:

Thứ nhất là các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Thứ hai là các ngành, nghề được quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thứ ba là các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành, nghề đó thì do thị trường và khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định.

Thứ tư là các nghề nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và có thể kiểm soát thông qua đấu thầu hoặc đặt hàng của Nhà nước.

“Đó là những vấn đề trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ cùng với cơ quan của Quốc hội sẽ nghiên cứu, rà soát, đảm bảo yêu cầu” – ông Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201911/kinh-doanh-nuoc-sach-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-ngan-chan-nhung-chuyen-nhuong-tac-dong-den-an-ninh-quoc-gia-07406d9/